Khoảng 50,7 triệu cử tri Italy, bao gồm cả 4 triệu cử tri ở nước ngoài đủ tư cách tham gia cuộc bỏ phiếu. Các điểm bỏ phiếu ở Italy sẽ đóng cửa vào lúc 23 giờ cùng ngày và dự kiến kết quả sơ bộ sớm nhất của cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp này sẽ được công bố vào sáng 5/12 theo giờ địa phương (tức chiều 5/12 theo giờ Việt Nam).
Được ăn cả…
Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho rằng, cải cách hiến pháp sẽ giúp tăng cường sự ổn định chính trị và giải quyết vấn đề bộ máy quan liêu ở Italy. Phát biểu trong cuộc vận động cử tri ở thành phố Florence ngày 2/11, ông Renzi khẳng định, "Italy sẽ trở thành quốc gia mạnh nhất châu Âu" nếu kế hoạch cải cách này được thông qua.
Việc cải cách hiến pháp cũng sẽ giúp giảm bớt quy mô và quyền lực của Thượng viện, từ 315 thượng nghị sĩ xuống còn 100 thượng nghị sĩ, chấm dứt tình trạng bế tắc thường hay xảy ra trong quá trình lập pháp. Hiện nay, cả Thượng viện và Hạ viện Italy có quyền lực ngang bằng nhau và đều chịu trách nhiệm thông qua các dự luật và đây là nguyên nhân gây nên sự bế tắc này. Ngoài ra, theo đề xuất cải cách hiến pháp của Thủ tướng Renzi, quyền lực của các chính quyền địa phương cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi thuyết trình trước cử tri trước ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân. (Nguồn: Newsweek) |
Nếu Thủ tướng Renzi giành thắng lợi, vị thế của ông ở Italy và trên chính trường châu Âu sẽ được củng cố. Hoạt động của các cơ quan chính phủ từ trung ương đến địa phương sẽ trở nên hiệu quả hơn. Tiến trình lập pháp sẽ không còn bị kéo dài. Bên cạnh đó, các chương trình cải cách kinh tế sẽ tiếp tục được tiến hành và đây là yếu tố cốt lõi nhằm tái cơ cấu nền kinh tế đang trì trệ của Italy. Mối quan ngại lâu nay của châu Âu và cả thế giới sẽ được giải tỏa.
...ngã về không
Nhưng nếu thất bại, ông Renzi có thể sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella và nguy cơ bất ổn chính trị ở Italy sẽ xảy ra. Không những thế, sự kiện này sẽ tạo đà cho sự trỗi dậy của các phe phái dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở Italy, cũng như khắp châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh các nước như Hà Lan, Pháp và Đức sẽ tổ chức bầu cử trong vòng 12 tháng tới.
Italy đang gánh một khoản nợ công khổng lồ lên tới 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên hiện ở mức gần 40%. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng Italy hiện là 360 tỷ Euro, chiếm khoảng 1/3 tổng nợ xấu của các ngân hàng thuộc Khu vực đồng Euro (Eurozone). Bất cứ kết quả trưng cầu ý dân nào gây bất ổn định cho nền chính trị Italy cũng đều dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên thị trường tài chính vốn đã bất ổn của nước này. Các nhà đầu tư sẽ tháo chạy khỏi Italy và sự rối loạn trong các ngân hàng ở nước này sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng với quy mô lớn hơn ở Eurozone.
Trên thực tế, theo các cuộc thăm dò dư luận, Thủ tướng Renzi khó có thể giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu ý dân, nhưng cũng không phải ai cũng chống lại những cải cách của ông. Số người về hưu và các hiệp hội nghề nghiệp ở Italy, vốn tạo nên một bộ phận cử tri đáng kể, không phản đối kế hoạch cải cách này.
Mặt khác, các kết quả thăm dò không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, những gì đã xảy ra cho thấy cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đều không chính xác.