Một hệ thống cứu trợ nhân đạo khẩn cấp đã được thiết lập để ngăn chặn tình trạng này. Theo ước tính, ít nhất 1,4 triệu trẻ em đang có nguy cơ chết đói trong năm tới. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi các bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, dịch tả, viêm phổi, và bệnh sởi bùng phát.
Nhiều nguyên nhân
Nguyên nhân chính của nạn đói này là do xung đột, hạn hán, chính trị bất ổn và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, cùng với đó là sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc hành động kịp thời để ứng phó với thảm kịch này.
Tại Nam Sudan, nạn đói tập trung chủ yếu ở những khu vực chiến sự đẫm máu giữa quân chính phủ và phe nổi loạn. Tại Yemen, nửa triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, trong khi các cuộc xung đột tiếp diễn làm phong toả những nỗ lực hỗ trợ nhân đạo. Tại miền Bắc Nigeria, quân đội đang giành lại lãnh thổ từ nhóm chiến binh Hồi giáo Boko Haram – thủ phạm gây ra nạn đói nghiêm trọng ở khu vực này. Chính bạo lực đã và đang phá hoại cuộc sống của người dân nơi đây, đặc biệt là những người nông dân – nhân tố chính của hoạt động sản xuất lương thực.
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở châu Phi mang những dấu hiệu giống hệt nạn đói tại đây vào năm 2011. Đây là thứ 3 liên tiếp châu Phi phải hứng chịu hạn hán, trong đó, Somalia, miền Nam Ethiopia và miền Bắc Kenya bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mùa màng thất bát, gia súc chết và giá lương thực tăng khiến cuộc sống của nông dân và những người chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 12,8 triệu người đang cần được cứu trợ khẩn cấp.
Một phụ nữ nhặt những hạt gạo còn sót lại trên nền đất sau hoạt động phân phát lương thực tại Nam Sudan. (Nguồn: AFP) |
Bài học về ngăn ngừa khủng hoảng
Tất cả điều này đều có thể lường trước được. Những dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện từ cách đây vài tháng. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế lại chưa đưa ra được những hành động kịp thời để ứng phó với thảm kịch này. Phải chăng đây chính là lúc để các nhà viện trợ lớn, nhóm G7, G20 và Ngân hàng Thế giới triệu tập mội hội nghị thượng đỉnh để hỗ trợ tài chính nhằm giải quyết nạn đói này thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ?
Phần lớn các khoản viện trợ sẽ được trao dưới hình thức tiền mặt. Điều này mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với việc cung cấp thực phẩm cho người dân. Các chương trình trao tiền viện trợ tại Somalia, Yemen và miền Bắc Nigeria đã và đang cứu giúp rất nhiều người dân ở đây, và chắc chắn những chương trình này sẽ tiếp tục được nhân rộng nhanh chóng.
Mặc dù vậy, tiền không phải là vấn đề duy nhất. Các nguyên nhân chính trị góp phần gây ra nạn đói này cũng là một thách thức hàng đầu mà cộng đồng quốc tế cần tham gia giải quyết. Việc Saudi Arabia đánh bom vào cảng biển, đường sá, gây cản trở những nỗ lực cứu trợ ở Yemen không chỉ vi phạm Hiệp ước Geneva, mà còn xâm phạm nghiêm trọng các giá trị nhân đạo.
Một bài học quý giá có thể rút ra từ đây chính là ngăn ngừa khủng hoảng trước khi nó xảy ra. Năm ngoái, Ethiopia đã phải đối mặt với một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ giữa thập niên 1980, do hiện tượng El Nino kéo dài. Mặc dù tình trạng thiếu lương thực đã diễn ra, nhưng quốc gia này đã tránh được thảm kịch về nạn đói. Một phần trong đó là nhờ các khoản viện trợ đã được sử dụng để mở rộng các trạm y tế và hoạt động chăm sóc dinh dưỡng tại nông thôn, giúp 2,2 triệu dân ở những khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận với chương trình mạng lưới an sinh (PSNP) đồng thời hỗ trợ cho các hộ nông dân giảm thiểu thiệt hại về vật nuôi.