📞

Trung Đông - 'Mảnh đất màu mỡ' cuối cùng của Huawei?

Ngọc Hà 16:09 | 19/12/2020
TGVN. Mặc dù các nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm kiềm chế sự mở rộng của Huawei đã thành công ở trong nước và tại một số khu vực châu Âu nhưng vẫn không thể ngăn bước tập đoàn này mở rộng thị trường tại Trung Đông.
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đang mở rộng quy mô và thị trường tại khu vực Trung Đông. (Nguồn: CNBC)

“Cùng nhau tạo ra giá trị mới” - đây chính là khẩu hiệu của Tuần lễ Công nghệ GITEX thường niên lần thứ 40 - cuộc triển lãm công nghệ toàn cầu duy nhất của năm 2020 được tổ chức từ ngày 6-10/12 tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Đơn vị tổ chức sự kiện này nổi tiếng trên khắp vùng Trung Đông - đặc biệt là các nước thuộc Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - với tư cách là đơn vị đi đầu trong khu vực về mạng 5G và điện toán đám mây: Tập đoàn Huawei.

Phủ sóng khắp Trung Đông

Nhà cung ứng công nghệ viễn thông toàn cầu và sản xuất điện thoại di động này đã quảng bá rầm rộ suốt cả năm 2020 - gần đây nhất là tại Đông Nam Á với một cuộc “oanh tạc” các thỏa thuận độc quyền mạng lưới 5G của Indonesia - về vai trò của mình trong sự phát triển ngày càng lớn mạnh của công nghệ 5G trên toàn cầu.

Trong năm vừa qua, 11 công ty công nghệ viễn thông, trong đó có các công ty của các quốc gia GCC là UAE, Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait và Oman, đã ký những hợp đồng 5G khổng lồ với Huawei.

Từ nay đến năm 2025, các nước GCC sẽ là nơi có số lượng lớn người đăng ký sử dụng mạng 5G trên thế giới. Thị trường tiếp nhận lượng sản phẩm thông tin và công nghệ viễn thông (ICT) trị giá 164 tỷ USD hằng năm của khu vực này là lý do chính đáng để Huawei hăng hái lao vào.

Tuy nhiên, tác động của sự phát triển công nghệ 5G thời gian gần đây đối với đời sống hằng ngày của 54 triệu dân sinh sống trong khu vực GCC này là gì?

Trên thực tế, sự tác động không hề nhiều. Tại khu vực này, 5G chủ yếu được sử dụng rộng rãi chỉ để các điện thoại di động có thể tải dữ liệu với tốc độ nhanh hơn và thông tin hội thoại được truyền tải nhanh hơn. Ngày 1/12, điện thoại thế hệ 5G P40 PRO mới của Huawei đã có mặt trên thị trường UAE.

Tuy nhiên, giới phân tích vẫn lạc quan về tiềm năng của sự tác động tích cực mà 5G đem lại cho một loạt ngành công nghiệp ở GCC, đặc biệt là tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, điện toán đám mây, băng thông rộng siêu nhanh và đổi mới về Internet vạn vật, trong đó gồm có xe tự hành, giao thông vận tải và trang thiết bị trong nhà máy.

Bất chấp những nỗ lực của phương Tây hòng kiềm chế sự phát triển trên thị trường toàn cầu của Huawei, tập đoàn này vẫn tiếp tục mở rộng được dấu ấn số của mình trên khắp Trung Đông.

Mỹ đã liên tục bày tỏ những quan ngại về an ninh đối với sự hiện diện của Huawei tại các thị trường quốc tế.

Huawei - hạt nhân của sáng kiến "Con đường Tơ lụa kỹ thuật số"

Kể từ năm 2018, giới hoạch định chính sách Mỹ đã nỗ lực cản trở công ty này và đối thủ của nó là ZTE cũng của Trung Quốc mở rộng thị trường ra bên ngoài, đặc biệt là tại Liên minh châu Âu (EU).

Sức ép của chính quyền ông Trump lên Huawei - đặc biệt là động thái mới đây của Mỹ nhằm kiềm chế các thương vụ bán công nghệ bán dẫn quan trọng cho công ty của Trung Quốc - đã làm nổ ra những cuộc tranh luận trên toàn cầu về vấn đề bảo mật dữ liệu và những hạn chế liên quan đến vấn đề an ninh nếu thế giới phụ thuộc vào các sản phẩm của Huawei.

Mặc dù các nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm kiềm chế sự mở rộng của Huawei đã thành công ở trong nước và tại một số khu vực tại châu Âu, nhưng thị trường vùng Vịnh vẫn không hề bị ảnh hưởng. Nguyên nhân phần nào có lẽ là do vị trí địa chính trị vô cùng nhạy cảm của khu vực này.

Với sự phụ thuộc chủ yếu vào thị trường dầu mỏ của Trung Quốc và sự hiện diện quân sự, ngoại giao quan trọng của Mỹ, các nền kinh tế ở vùng Vịnh không muốn trở thành một khu vực xảy ra cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến các nền kinh tế vùng Vịnh ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc bởi nền kinh tế của nước này phục hồi nhanh hơn so với Mỹ.

Kể từ khi các biện pháp hạn chế vì Covid-19 được dỡ bỏ tại Trung Quốc, các nhà hoạch định chính sách nước này đã xúc tiến những bước đi quan trọng để phát triển “internet công nghiệp” của các nhà cung ứng viễn thông toàn cầu với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh châu Âu trong lĩnh vực này.

Sự phát triển của Huawei trong hệ thống 5G toàn cầu đã được đề cập rất nhiều trong các cuộc thảo luận trong năm 2020 về các công ty Trung Quốc, trong đó có sáng kiến "Con đường Tơ lụa kỹ thuật số" (DSR).

Cụm từ DSR được nhắc đến lần đầu tiên trong một Sách Trắng của chính phủ vào năm 2015 như một sự mở rộng của Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) - chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn cầu do Trung Quốc dẫn dắt. Hiện nay, DSR là một cụm từ được sử dụng rộng rãi cho các hoạt động về công nghệ viễn thông của Trung Quốc ở nước ngoài.

Theo Đại học Phúc Đán, bản thân chính sách DSR này cũng bao gồm 5 khía cạnh chính: Với cơ sở hạ tầng là cốt lõi, DSR phụ thuộc vào việc mở rộng ảnh hưởng sang thương mại, tài chính và “trái tim của con người”, tất cả đều phục vụ cho việc định hình các chính sách ở ngoài nước. Các chính sách này bao gồm an ninh mạng, quản trị số và nguyên tắc chia sẻ dữ liệu trong thế giới các nước đang phát triển.

Cả BRI và DSR trên thực tế đều hoạt động như những công cụ thực hiện các quyết định chính sách và kinh tế mà chính phủ và các tập đoàn của Trung Quốc đưa ra.

Không có công ty hay một thực thể nào của chính phủ có thể hoàn toàn đại diện cho DSR của Trung Quốc, kể cả Huawei. Tuy nhiên, các chiến dịch 5G của Mỹ vẫn không theo kịp quy mô hoạt động của các công ty châu Á tại Trung Đông.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dự báo rằng với sự thể hiện của mình trong bối cảnh dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trước năm 2030.

Các nỗ lực hợp tác đa quốc gia - chẳng hạn như sự hợp tác cơ sở hạ tầng số được phát động hồi năm ngoái giữa EU và Nhật Bản - là một chiến lược tích cực phục vụ sự cạnh tranh của chính phủ Mỹ để có thể duy trì vị thế trong ngành công nghệ 5G.

Giống như khẩu hiệu “Cùng tạo giá trị mới” của Huawei tại Trung Đông, các chiến lược hợp tác có thể giúp phương Tây duy trì vị thế và mang lại giá trị cạnh tranh ngày càng lớn cho thị trường ICT ở Trung Đông.

(theo Bloomberg)