Nhỏ Bình thường Lớn

Trừng phạt kinh tế Nga: "Trò chơi" của chính trị gia

Không chỉ Nga bị ảnh hưởng bởi các đòn trừng phạt, chính các nước phương Tây cũng quan ngại về tác dụng phụ từ các ngón đòn của chính mình.
Tổng thống Putin đã cân nhắc biện pháp đối phó trong trường hợp Nga bị trừng phạt kinh tế hay vốn đầu tư tháo chạy khỏi thị trường...

Dù đã nhiều lần lên tiếng về đòn trừng phạt Nga, nhưng cho tới nay, Mỹ và các đồng minh châu Âu mới chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân. Sắp tới, Mỹ dự kiến công bố các biện pháp mới tấn công kinh tế Nga nhằm vào cá nhân hoặc công ty lớn trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như năng lượng, công nghiệp quốc phòng và ngân hàng.

Thách thức chưa có tiền lệ

Tuy nhiên, nước Nga dường như đã sẵn sàng để “đón bão”. Từ nhiều tuần nay, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã cân nhắc các biện pháp đối phó trong trường hợp Nga bị cô lập với USD, hay vốn đầu tư tháo chạy khỏi thị trường...

Phát biểu trước các nghị sĩ Nga, Thủ tướng Dmitri Medvedev tuyên bố, Nhà nước sẽ không tăng thuế và tăng tuổi hưu, sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào vùng Viễn Đông và trong trường hợp phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt, Nga sẽ giảm thiểu sự thiệt hại bằng cách đẩy mạnh sự hợp tác với thị trường khác và sẽ có hành động pháp lý hoặc tìm kiếm sự phân xử của WTO nếu cần thiết.

Trên thực tế, các thị trường tài chính Nga đã bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên. Giá các cổ phiếu chủ chốt liên tục giảm mạnh, các nhà đầu tư bắt đầu ngập ngừng trước khi có các quyết định rót tiền cho các hoạt động thương mại, đặc biệt là thị trường năng lượng, xếp hạng tín nhiệm vừa bị hạ xuống mức BBB-, và vì thế mà các khoản vay có thể trở nên tốn kém hơn.

Thủ tướng Medvedev cũng thừa nhận kinh tế Nga đang phải đối mặt với thách thức chưa có tiền lệ. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong quý I/2014 của Nga đã chậm lại đáng kể - chỉ tăng 0,8%, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 2,5%. Nhưng ông lại coi đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội tốt để nâng cao tính hiệu quả trong kinh doanh, thiết lập nền tảng mới cho nền kinh tế quốc dân với cơ sở sản xuất của chính mình.

Nga hiện tiêu thụ 40% hàng hóa của EU trong khi 50% xuất khẩu của Nga là tới các nước EU. Vì vậy, áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga sẽ gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho cả hai bên.

Nga vẫn ở thế thượng phong

Trái với thái độ tự tin của "kẻ bị trừng phạt", chính những người đi trừng phạt lại đang tỏ ra hoang mang về tác dụng phụ của biện pháp trả đũa này.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schultz bày tỏ lo ngại, việc thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga ảnh hưởng không chỉ đối với Moscow mà còn tác động lớn tới các quốc gia thành viên EU. Ông này còn đề nghị châu Âu cần cố gắng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nếu có thể.

Theo tính toán của ông Sergei Glazyev, Cố vấn Tổng thống Nga, nếu nước này bị loại khỏi hệ thống tài chính thế giới trong các thị phần USD và Euro thì mất mát của EU có thể đạt mức 1.000 tỷ Euro. Ngoài ra, sự thật là Nga đang nắm "huyết quản năng lượng" của EU (khoảng 30% lượng khí đốt nhập khẩu). Theo đó, trước khi trừng phạt Nga, phương Tây buộc phải tự lo được nguồn cung năng lượng. Như vậy, có thể nói vì những quyền lợi kinh tế riêng của từng nước, 28 thành viên EU đều không mặn mà với việc phong tỏa kinh tế nước Nga.

Mặc dù không quá phụ thuộc vào Nga, song Mỹ sẽ phải trả giá khi thực hiện các biện pháp trừng phạt. Chẳng hạn, hãng sản xuất máy bay Boeing đang phải nhập từ Nga 40% nhu cầu titan, vật liệu quan trọng cho sản xuất máy bay Boeing 787 Dreamliner. Hay mất thị trường Nga thì các đại gia ôtô GM, Ford hay Chrysler cũng có thể bị thua lỗ lớn, sa thải nhân công, thậm chí đóng cửa nhà máy.

Tình thế của Mỹ và phương Tây khiến nhiều nhà phân tích đã bình luận rằng, cuộc chiến kinh tế hiện nay cho thấy, với "vũ khí" khí đốt, hiện Nga vẫn đang ở thế thượng phong và ràng buộc được châu Âu nhiều hơn điều châu Âu từng làm với nước khác bằng vũ khí và hành động quân sự.

Cuộc chiến kinh tế thế giới?

Một số chuyên gia bày tỏ lo ngại, trò chơi trừng phạt giữa Nga và phương Tây có thể dẫn đến cuộc chiến kinh tế một mất một còn với nhiều tác động lên kinh tế thế giới.

Những ngày qua, thế giới nóng lên với căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây. Các thị trường tài chính, các nền kinh tế liên quan đều ít nhiều đang chịu ảnh hưởng.

Nhưng cũng có không ít quan điểm cho rằng, có lẽ đây chỉ là một trò chơi của các chính trị gia? Bởi lẽ các lệnh trừng phạt các quốc gia phương Tây chẳng khác gì việc tự bắn vào chân mình, khi những lệnh trừng phạt này sẽ làm tổn hại đến kinh tế của chính phương Tây hơn là kinh tế Nga.

Minh Anh