Hải sản đánh bắt tại địa phương được bày bán ở chợ cá và khu ẩm thực Hamanoeki ở Soma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 31/8/2023. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 23/2, các nguồn thạo tin cho hay, tháng trước, Nhật Bản và Trung Quốc tổ chức một cuộc đàm phán về việc Tokyo xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển và lệnh cấm nhập khẩu của Bắc Kinh đối với hải sản từ đất nước Mặt trời mọc.
Tại cuộc đàm phán trực tuyến này, không ghi nhận bước tiến lớn nào do Trung Quốc vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu tất cả các hải sản từ Nhật Bản để đáp trả việc xả nước thải, trong khi Tokyo liên tục yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp này.
Về phía Nhật Bản, các quan chức Bộ Ngoại giao, Cơ quan quản lý hạt nhân và đơn vị vận hành nhà máy trên, Công ty Tokyo Electric Power Company Holdings, đã tham gia cuộc đàm phán.
Trước đó, ngày 24/8 năm ngoái, chỉ vài giờ sau khi Nhật Bản quyết định xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra Thái Bình Dương, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hải sản của nước này.
Nhật Bản khẳng định nước thải sẽ dưới giới hạn nồng độ tritium là 1.500 Bq/l (becquerel/lít), thấp hơn 7 lần so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10.000 Bq/l đối với nước uống.
Tại cuộc gặp mặt trực tiếp gần đây nhất hồi tháng 11/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí tổ chức các cuộc tham vấn chuyên môn về vấn đề này. Tuy nhiên, không rõ liệu cuộc đàm phán trực tuyến nêu trên có phải là kết quả của thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo hay không.
Trả lời họp báo ngày 23/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định “Trung Quốc và Nhật Bản đang tiếp tục liên lạc” về vấn đề này.
Cũng trong ngày 23/2, một cuộc khảo sát của Kyodo News cho thấy, 80,6% thành viên Liên đoàn hợp tác xã nghề cá quốc gia Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi việc xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, chủ yếu do Bắc Kinh áp dụng lệnh cấm nói trên.