Sự chú ý của khoa học thế giới đang dồn về He Jiankui, nhà nguyên cứu tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Ông khẳng định đã điều chỉnh phôi thai của 7 cặp đôi và một trường hợp mang thai đã cho được kết quả điều chỉnh ADN thành công, theo AP.
He Jiankui nhấn mạnh mục tiêu của thí nghiệm không nhằm chữa trị hay ngăn ngừa những loại bệnh di truyền, mà để thử chèn thêm các đặc tính sinh học mà ít người có được - chẳng hạn như khả năng kháng nhiễm HIV.
Theo nhà khoa học Trung Quốc, các cặp đôi tham gia thí nghiệm không chấp nhận công bố danh tính hay trả lời phỏng vấn báo chí. Ông từ chối tiết lộ nơi ở của các cặp đôi, hay cơ sở y tế được sử dụng để tiến hành thí nghiệm.
Ông He Jiankui phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/10 tại phòng thí nghiệm ở Thâm Quyến. (Nguồn: AP) |
Điều chỉnh gene hy vọng kháng nhiễm HIV
Theo tìm hiểu của AP, ông He Jiankui từng nghiên cứu tại Đại học Rice và Đại học Stanford của Mỹ trước khi về nước. Ông mở một phòng thí nghiệm ở Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, thành phố Thâm Quyến. He còn đứng tên sở hữu 2 công ty nghiên cứu gene.
Kỹ sư sinh học và vật lý Michael Deem, người từng hướng dẫn He Jiankui ở Đại học Rice, cho biết ông có hỗ trợ thực hiện dự án gây tranh cãi. Hiện Deem đang nắm “một số cổ phần nhỏ” và là thành viên ban cố vấn khoa học trong 2 công ty của He Jiankui.
Kết quả thí nghiệm được ông He tiết lộ vào ngày 26/11 tại một hội thảo khoa học quốc tế về điều chỉnh gene tổ chức ở Hong Kong (Trung Quốc).
“Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải là người đầu tiên làm điều này, không những vậy đây phải là một ví dụ cho tương lai. Xã hội sẽ quyết định làm gì tiếp theo”, ông He trả lời phỏng vấn độc quyền với AP về tương lai phát minh của mình liệu sẽ được nhân loại chấp nhận hay ngăn cấm.
Nhà khoa học Trung Quốc cho biết ông đã thử nghiệm điều chỉnh gene trên phôi thai chuột, khỉ và người trong phòng thí nghiệm nhiều năm. Ông tiết lộ đã đăng ký bản quyền phát minh của mình.
He Jiankui chọn điều chỉnh gene ngăn nhiễm HIV vì căn bệnh truyền nhiễm này là vấn đề nghiêm trọng tại Trung Quốc. Ông tìm cách vô hiệu hóa CCR5 - gene liên quan đến hiện tượng tạo “cửa protein" cho virus HIV xâm nhập vào tế bào.
Trong 7 cặp đôi làm thí nghiệm, toàn bộ các bệnh nhân nam giới đều nhiễm HIV còn các bệnh nhân nữ thì không.
Nhà khoa học cho biết việc điều chỉnh gene không nhằm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm virus. Các bệnh nhân nam có thể dùng thuốc điều trị HIV, ức chế tối đa khả năng lây nhiễm. Ngoài ra, còn một số biện pháp đơn giản khác để ngăn truyền HIV từ cha sang con mà không liên quan đến điều chỉnh gene.
Thay vào đó, mục đích của nghiên cứu nhằm giúp con của các cặp đôi này không nhiễm HIV khi trưởng thành.
Các nhà khoa học tại 1 phòng thí nghiệm của Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam, thành phố Thâm Quyến. (Nguồn: AP) |
Cặp đôi song sinh đầu tiên
He Jiankui tuyển các cặp đôi tình nguyện từ một nhóm bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân AIDS có tên là Baihualin.
Việc điều chỉnh gene được thực hiện trong quá trình thụ tinh nhân tạo (IVF). Các nhà khoa học cho "rửa" tinh trùng của nam giới để tách khỏi tinh dịch, môi trường chứa virus HIV. Sau khi cấy tinh trùng và trứng để tạo phôi thai, công cụ điều chỉnh gene được bổ sung.
Các phôi thai sau khi được 3-5 ngày tuổi sẽ có một số tế bào được lấy ra và kiểm tra tiến độ điều chỉnh gene. Những cặp đôi được chọn giữa phôi có điều chỉnh gene hay không điều chỉnh gene để mang thai. Theo ông He, có 16/22 phôi được điều chỉnh và 11 phôi được sử dụng trong 6 nỗ lực gắn kết vào tử cung trước khi có một cặp đôi đậu thai hai em bé song sinh.
Kết quả kiểm nghiệm ban đầu cho thấy 1 trong 2 em bé song sinh được di truyền cả 2 bản sao chép của gene điều chỉnh. Bé còn lại chỉ có 1 bản sao. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các gene khác bị tổn thương.
Ông cho biết những người chỉ có một bản sao của gene điều chỉnh có thể vẫn nhiễm HIV, nhưng các nghiên cứu phạm vi hẹp cho thấy sức khỏe của người nhiễm sẽ không suy giảm nhanh như bệnh nhân bình thường.
He Jiankui cho biết ông đã thông báo rõ với các tình nguyện viên về mục tiêu tử nghiệm, đồng thời nhắc nhở việc thử nghiệm này chưa từng có tiền lệ và ẩn chứa nhiều rủi ro. Ngoài ra, việc hỗ trợ thụ tinh nhân tạo là hoàn toàn miễn phí.
Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ bảo hiểm cho toàn bộ những đứa bé được sinh ra trong đợt thí nghiệm này, chấp nhận lập phát đồ hỗ trợ y tế cho các em cho đến khi tròn 18 tuổi hoặc lâu hơn nữa nếu khi đó các em đồng ý.
Những nỗ lực cấy thai khác sẽ được tạm hoãn cho đến khi kết quả thử nhiệm lần này được kết luận là an toàn và các chuyên gia đầu ngành cho ý kiến.
AP vẫn chưa thể kiểm chứng độc lập các tuyên bố của He Jiankui. Nghiên cứu này vẫn chưa được xuất bản trên bất kỳ tạp chí khoa học nào để các chuyên gia khác kiểm tra. Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã bày tỏ sự bất ngờ và chỉ trích gay gắt phát minh của chuyên gia người Trung Quốc.
Thí nghiệm biến đổi gene trên phôi người hoặc các yếu tố có khả năng di truyền bị cấm tại nhiều nước, nhưng không được quy định cụ thể tại Trung Quốc. (Nguồn: AP) |
Tranh cãi về chuẩn mực đạo đức nghiên cứu
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện một biện pháp dễ dàng hơn để điều chỉnh gene người là CRISPR–cas9. Công cụ này cho phép các nhà nghiên cứu thao tác điều chỉnh chuỗi ADN để bổ sung gene cần thiết hoặc loại bỏ gene có vấn đề.
Biện pháp này chỉ mới được thử nghiệm trên người trưởng thành để chữa một số bệnh hiểm nghèo. Gene được điều chỉnh chỉ giới hạn đối với bệnh nhân chấp nhận thử nghiệm.
Việc điều chỉnh gene trong tinh trùng, trứng hay phôi thai vẫn còn gây tranh cãi vì nó có khả năng di truyền. Tất cả những phòng thí nghiệm tại Mỹ đều bị cấm. Trong khi đó, Trung Quốc cấm nhân bản vô tính người nhưng không đề cập cụ thể về điều chỉnh gene.
“Không có gì phải bàn cãi. Không ai có thể biện minh về mặt đạo đức hay chuẩn mực nghề nghiệp đối với việc thí nghiệm trực tiếp trên cơ thể con người”, Kiran Musunuru, chuyên gia về điều chỉnh gene của Đại học Pennsylvania và là biên tập viên một tạp chí nghiên cứu gene, lên án.
Ông cảnh báo kể cả khi thí nghiệm điều chỉnh gene của He Jiankui thành công, những em bé không có gene CCR5 bình thường sẽ đối diện rủi ro nhiễm các loại virus khác nguy hiểm không kém, chẳng hạn như dịch Tây sông Nile, hoặc có thể chết vì nhiễm cúm thường.
Ông cho rằng He Jiankui cùng các đồng nghiệp đã hành động thiếu trách nhiệm khi để những đứa trẻ được sinh ra phải chịu hàng loạt rủi ro về sức khỏe mà các nhà khoa học không thể lường trước.
“Vẫn còn sớm để bàn luận. Chúng ta đang nói về vấn đề điều chỉnh thiết kế con người. Đây là một vấn đề quá lớn”, Eric Topol, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Dịch mã di truyền Scripps của California, nhận định.
Trong khi đó, George Church, nhà nghiên cứu gene nổi tiếng của Đại học Havard, lại ủng hộ mục tiêu điều chỉnh gene nhằm kháng nhiễm HIV vì đây là mối đe dọa “ngày càng lớn đối với sức khỏe cộng đồng”.
“Tôi nghĩ lý do này đủ biện minh cho nghiên cứu”, ông nhận định.