Viện sĩ Phan Kiến Vĩ (Pan Jianwei), Giáo sư Lục Triều Dương (Lu Chaoyang) của Viện Khoa học Trung Quốc cùng các đồng sự vừa tuyên bố chế tạo thành công nguyên mẫu máy tính lượng tử với 76 quang tử (photon) mang tên "Cửu Chương".
Các nhà khoa học chế tạo thành công "Cửu Chương" cũng là tác giả của máy tính lượng tử đầu tiên trên thế giới của Trung Quốc năm 2017. (Nguồn: Chinanews) |
Nếu căn cứ theo cách tính truyền thống tối ưu hiện nay, máy tính này có tốc độ lấy mẫu hạt Boson nhanh hơn siêu máy tính số một thế giới Fugaku lên tới 100.000 tỷ lần, tốc độ tính toán cũng nhanh hơn 10 tỷ lần so với nguyên mẫu máy tính lượng tử Sycamore có tốc độ xử lý 53 qubit (bit lượng tử) do hãng Google của Mỹ công bố năm 2019.
Hay nói cách khác, nhiệm vụ mà máy tính "Cửu Chương" của Trung Quốc hoàn thành trong 1 phút, thì siêu máy tính phải cần tới 100 triệu năm mới có thể làm xong.
Tác giả của "Cửu Chương" cũng là nhóm đã chế tạo ra máy tính lượng tử đầu tiên trên thế giới của Trung Quốc năm 2017. Bài luận văn về công trình mới này vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí quốc tế Science hôm 4/12.
Máy tính lượng tử được cho là có thể thay đổi thế giới, từ chuyển đổi ngành y học và mật mã học, tới cách mạng hóa ngành thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời được đánh giá là xu hướng của tương lai do được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Những đột phá về loại thiết bị này có thể giúp hỗ trợ y học nghiên cứu kéo dài sự sống, tạo siêu vật liệu mới, thậm chí có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chính phủ và quân đội.
Chính vì những tiềm năng to lớn của máy tính lượng tử mà châu Âu và Mỹ cũng đang tích cực phối hợp nghiên cứu, trong đó, các người khổng lồ công nghệ trên thế giới như Google, Microsoft hay IBM đều tỏ ra cực kỳ quan tâm đến nghiên cứu loại máy tính này.