Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con trong hơn ba thập kỷ. (Nguồn: Telegraph) |
Hồi tháng 10/2015, quyết định này đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc nhất trí tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương. Và đến ngày 27/12, Luật mới đã được Quốc hội Trung Quốc thông qua trong kỳ họp cuối năm. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, quy định mọi cặp vợ chồng đã kết hôn đều có quyền sinh con thứ hai. Tuy nhiên, luật pháp vẫn hạn chế việc sinh con thứ ba.
Chính sách một con do chính phủ Trung Quốc đưa ra từ cuối thập niên 1970 không cho phép các gia đình có nhiều hơn một con. Các quan chức Trung Quốc khẳng định, chính sách này đã giúp ngăn chặn dân số nước này tăng thêm 400 triệu người mỗi năm và góp phần vào tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, hệ quả của quy định này là nhiều vụ cưỡng ép phá thai, chênh lệch giới tính nghiêm trọng, do nạn trọng nam khinh nữ. Ước tính đến năm 2020, số nam giới vào tuổi kết hôn ở Trung Quốc cao hơn nữ giới tới 30 triệu người.
Việc hạn chế tỷ lệ sinh cũng khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào tình trạng già hóa dân số, nguồn lực lao động trở nên thiếu hụt. Trung tâm Nghiên cứu châu Á của tổ chức The Heritage Foundation xác định, nguồn lực lao động của Trung Quốc giảm 35% trong những năm qua.
Trước khi áp dụng chính sách mới trên toàn quốc, từ năm 2013, Chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách một con từ năm 2013 nhưng hiệu quả là không lớn. Thủ đô Bắc Kinh cũng là nơi thí điểm mô hình này, song tỷ lệ cặp vợ chồng đăng kí sinh nhiều hơn một con không cao như mong đợi.
Mới đây, cuộc khảo sát về quan điểm của giới trẻ trong việc sinh con đã được Trường Đại học Jinan thực hiện với 1.800 sinh viên năm cuối thuộc 21 trường Đại học. Kết quả được đăng trên tờ Bưu điện Bắc Kinh buổi sáng, theo đó, hơn 76% sinh viên mong muốn được kết hôn trong độ tuổi từ 25-29 và 80,4% trong số đó nói rằng, họ muốn có con khoảng hai năm sau khi kết hôn.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ còn mất rất nhiều thời gian để đảm bảo chất lượng dân số sau khi thông qua Luật trên.