Theo ông Tập Cận Bình, phục vụ nền kinh tế thực phải là “thiên chức” và tôn chỉ của lĩnh vực tài chính, đồng thời cũng là biện pháp cơ bản để phòng, chống những nguy cơ tài chính. Lĩnh vực tài chính cần phải cải thiện hiệu quả và chất lượng dịch vụ, đầu tư nhiều nguồn lực hơn nữa vào những khu vực quan trọng và những mắt xích yếu kém trong phát triển kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển tài chính trực tiếp; cải thiện cơ cấu tài chính không trực tiếp thông qua các biện pháp thúc đẩy sự chuyển đổi chiến lược của các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước, phát triển các ngân hàng nhỏ và vừa cũng như các tổ chức tài chính tư nhân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị công tác tài chính toàn quốc, từ ngày 14-15/7 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua) |
Chủ tịch Trung Quốc cũng cho rằng cần phải tăng cường xây dựng hệ thống phổ cập tài chính để nâng cao sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách “Tam Nông”, khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa; khuyến khích phát triển “Tài chính xanh”; hối thúc các tổ chức tài chính hạ thấp chi phí hoạt động và đưa ra quy định rõ ràng về các dịch vụ trung gian nhằm phòng tránh thủ đoạn nâng cao chi phí tài chính đối với nền kinh tế thực.
Ông Tập Cận Bình kêu gọi đưa ra những quy định chặt chẽ hơn để đẩy lùi các nguy cơ tài chính mang tính hệ thống, trong đó các biện pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện, cảnh báo và xử lý sớm sẽ là những ưu tiên hàng đầu.
Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tăng cường xây dựng hệ thống luật pháp và các quy định kiểm soát lĩnh vực tài chính; tiếp tục tháo gỡ đòn bẩy đối với nền kinh tế thông qua việc triển khai vững chắc chính sách tiền tệ thận trọng; ưu tiên cắt giảm đòn bẩy đối với các doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh công tác xử lý các doanh nghiệp yếu kém; kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng nợ của chính quyền các địa phương; xử lý nghiêm khắc những hành vi gây mất trật tự thị trường tài chính; tăng cường công tác giám sát các hoạt động tài chính trực tuyến; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống tín dụng xã hội phát triển; kiện toàn hệ thống pháp luật tài chính phù hợp với tình hình trong nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc yêu cầu thiết lập uỷ ban ổn định và phát triển tài chính đặt dưới sự lãnh đạo của Quốc vụ viện (Chính phủ) nước này; nâng cao vai trò của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong công tác quản lý an toàn vĩ mô và đấu tranh với những nguy cơ mang tính hệ thống. Các cơ quan quản lý tài chính cần phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ giám sát, cảnh báo và xử lý rủi ro một cách kịp thời.
Từ năm 1997, Trung Quốc đều đặn tổ chức Hội nghị công tác tài chính toàn quốc theo định kỳ 5 năm/lần. Hội nghị này được giới chuyên môn đánh giá là có vai trò định hướng cho những cải cách trong lĩnh vực tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.