Vụ bạo loạn mới đây nhất xảy ra tại Tân Cương được đưa vào Sách Trắng. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Sách Trắng dài 52 trang và gồm 7 chương, trong đó điểm lại những thay đổi sâu sắc trong 60 năm qua tại Khu tự trị Tân Cương trên các khía cạnh quan trọng như kinh tế, đời sống, xã hội, văn hoá, đoàn kết-công bằng, quyền tự do tín ngưỡng-thống nhất quốc gia và ổn định xã hội.
Cụ thể, Sách Trắng nêu rõ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Tân Cương năm 2008 đạt 420,3 tỷ nhân dân tệ, tăng trung bình 8,3%/năm và cao gấp 86,4 lần so với GDP năm 1952, ba năm trước khi thành lập Khu tự trị.
Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của nông dân Tân Cương đạt 3.503 nhân dân tệ, gấp 28 lần so với năm 1978, trong khi thu nhập bình quân của người dân sống ở đô thị là 11.432 nhân dân tệ, tăng 35 lần so với năm 1978.
Từ năm 1950 đến năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư vào Tân Cương 386,23 tỷ nhân dân tệ, chiếm 25,7% tổng lượng đầu tư vào Khu tự trị này.
Ngoài ra, Sách Trắng cũng đề cập đến những thay đổi lớn trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, nghệ thuật, y tế, việc làm, an sinh xã hội và bảo tồn văn hoá các dân tộc.
Sách Trắng khẳng định các công dân thuộc mọi sắc tộc ở Tân Cương được hưởng các quyền theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, quyền bầu cử và ứng cử. Số cán bộ người dân tộc thiểu số tăng từ 46.000 người năm 1955 lên 363.000 người năm 2008, chiếm 51,25% tổng số cán bộ công tác tại Tân Cương.
Số thánh đường Hồi giáo tăng đã từ 2000 lên 24.300 thánh đường. Theo tài liệu này, 70% các ấn phẩm ở Tân Cương được in bằng ngôn ngữ của cộng đồng thiểu số. Sách Trắng nhấn mạnh: "Nếu không có sự thống nhất quốc gia, ổn định xã hội và đoàn kết dân tộc thì không thể đạt được những thành quả như trên".
Đặc biệt, Sách Trắng lên án những hành vi kích động ly khai, khủng bố phá hoại nghiêm trọng sự phát triển và tiến bộ ở Tân Cương, điển hình là vụ bạo loạn mới đây nhất xảy ra từ ngày 5-17/7 cướp đi sinh mạng của 197 người và làm 1.700 người khác bị thương.
Theo TTXVN/Vietnam+