📞

Trung Quốc “để ý” hơn tới các nền kinh tế tự do ở Mỹ Latinh.

17:29 | 14/05/2015
Theo Diario Financiero (Thời báo Tài chính-Chile) ngày 12/05/2015, chuyến công du vào tuần tới của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Mỹ Latinh mang tính chiến lược. Bắc Kinh đang cố gắng tiếp cận với các quốc gia tự do nhất của khu vực và làm giảm sự dính líu vào các vấn đề tài chính của các đồng minh chiến lược chính trị như Venezuela và Argentina.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Đầu tư tăng lên ở Peru và các nước khác trong khu vực sẽ cho phép Trung Quốc đa dạng hóa các mối quan hệ của mình và rời xa các chính phủ cánh tả, đồng minh của Trung Quốc trong thập kỷ qua. Chỉ riêng Caracas đã nhận được hơn 50 tỷ USD, đặc biệt thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Hoa.

Nhà phân tích về Mỹ Latinh của Đại học Khoa học và Công nghệ Tây Nam, Tứ Xuyên Li Renfang nói với Thời báo Tài chính rằng các nhà chức trách Trung Quốc đang ngày một lo ngại hơn về mô hình cung cấp tài chính đổi lấy hàng hóa. “Tôi cho rằng Trung Quốc cho các chính phủ trung hữu vay tiền sẽ an toàn hơn”.

Nhiều dự án tại Brasil

Ngày hôm qua, tờ Giá trị đưa tin trong chuyến đi thăm Brasil, ông Lý Khắc Cường sẽ công bố gần 60 dự án đầu tư về các công trình hạ tầng cơ sở và lắp đặt công nghiệp trị giá 53 tỷ USD.

Đối với Brasil, việc cung ứng đầu tư vào thời điểm đang có nhiều nghi ngờ về khả năng cung cấp tài chính công cho các công trình hạ tầng cơ sở là cần thiết để phục hồi nền kinh tế. Mục tiêu chính sẽ là lĩnh vực năng lượng, với tổng đầu tư dự kiến gần 33 tỷ USD, gồm 27 dự án, trong đó một số đã được triển khai. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp sẽ nhận được 4 tỷ USD, với các công trình đang được tiến hành và nhiều công trình khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch.

Trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở và hậu cần, có 9 dự án, với tổng giá trị gần 16 tỷ USD. Việc đầu tư 7,5 tỷ USD vào lĩnh vực đường sắt (bao gồm cả đường tàu điện ngầm) là một ưu tiên đối với Chính phủ của bà Dilma Rousseff.

Các mối quan tâm về đường sắt

Việc xây dựng các tuyến đường sắt là một ưu tiên đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Dự án quan trọng nhất là tuyến đường sắt nối liền Brasil với Peru, xuyên qua dãy núi Andes, sẽ cho phép quặng sắt và đậu tương của Brasil được chở qua các cảng của Peru tới châu Á, không qua kênh đào Panama.

Các hợp đồng đường sắt quốc tế là một ưu tiên chính sách của Bắc Kinh bởi vì xuất khẩu là một giải pháp cho vấn đề dư thừa công suất trong các dịch vụ về thép, đường sắt, xây dựng và kỹ thuật trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Theo Thời báo Tài chính, cho đến nay, các dự án tương tự đã được đề xuất ở Thái lan, Indonesia và Trung Á.

Đối với đường tàu xuyên qua Andes, các chi phí được dự tính trong khoảng 4,5 đến 10 tỷ USD, sẽ nối liền Brasil với Peru qua lưu vực sông Amazon. Tuy nhiên, con đường này có thể gặp phải sự chống đối của các nhà môi trường và người dân bản địa. Một lựa chọn khác là đi qua các sa mạc miền Nam Peru, qua Bolivia, nhưng sẽ phải đầu tư lớn xây cảng tại nước này.

Chen Tatao, thuộc trung tâm Nghiên cứu về Trung Quốc – Mỹ Latinh của Đại học Thanh Hoa nói “Chúng ta đã có trao đổi thương mại, nhưng thiếu đầu tư lớn. Các công ty của Trung Quốc đang ngày càng quan tâm đầu tư, nên việc xây dựng quan hệ giữa các nhà lãnh đạo là cần thiết”.

Bên cạnh Chile và Brasil là những nước cung cấp nguyên liệu thô, Peru đang ngày càng được Trung Quốc quan tâm hơn. Với các dự án trị giá 19 tỷ USD, đầu tư của Trung Quốc chiếm một phần ba các dự án khai thác mỏ mới tại Peru, bao gồm các mỏ đồng Toromocho và Las Bambas. Cuối năm ngoái, công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã mua chi nhánh Peru của công ty dầu khí Brazil Petrobras trị giá 2,6 tỷ USD.

Lệ Chi