📞

Trung Quốc, EU đối thoại chiến lược tại Bắc Kinh

08:13 | 20/04/2017
Các quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/4 đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn, chú trọng đến những lợi ích chung về an ninh, hòa bình và thúc đẩy thông điệp tự do thương mại. 

Cam kết trên được đưa ra tại cuộc Đối thoại chiến lược Trung Quốc - EU lần thứ 7, do Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini và  Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đồng chủ trì. Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1 vừa qua. 

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp với nhiều diễn biến và thách thức mới như hiện nay, Trung Quốc và EU cần làm sâu sắc mối quan hệ và thống nhất các chính sách không chỉ vì “lợi ích chung của hai bên, mà còn vì tầm quan trọng của sự phát triển quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế”. Về phần mình, bà Mogherini cho rằng, Trung Quốc và EU “có trách nhiệm to lớn” trong “những thời kỳ biến động”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp bà Federica Mogherini, ngày 18/4. (Nguồn: Reuters)

Bà bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hợp tác theo một chương trình tích cực mà EU và Trung Quốc có thể cùng thực hiện vì lợi ích của người dân khu vực và thế giới.

Hai bên cũng thảo luận về căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đẩy nhanh phát triển chương trình vũ khí hạt nhân; thảo luận tiến tình hòa bình ở Syria được Liên hợp quốc bảo trợ với ưu tiên hàng đầu là chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này.  Trước đó, ngày 18/4, bà Mogherini đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong đó bà nhấn mạnh Trung Quốc và EU nên gánh vác trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế, giải quyết những thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển và hòa bình trên thế giới.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc cho rằng, cả Trung Quốc và EU đang phải đối phó với các thách thức toàn cầu, cải cách và hoàn thiện hệ thống quản trị quốc tế, thúc đẩy tín hiệu tích cực của toàn cầu hóa kinh tế cũng như thương mại tự do và công bằng.

(theo Reuters, EPA)