Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim tại Thượng Hải, ngày 5/11. (Nguồn: Tân Hoa xã). |
Trong chuyến thăm làm việc tại Trung Quốc từ ngày 4-7/11, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã gặp Thủ tướng nước chủ nhà Lý Cường và dự Triển lãm Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE) lần thứ 7 tại Thượng Hải.
Kinh tế là đầu câu chuyện
Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ ba của nhà lãnh đạo Malaysia trong hai năm cầm quyền, với các chuyến thăm trước đó diễn ra vào tháng Ba và tháng Chín năm ngoái.
Đáng chú ý, chỉ hai tháng trước, Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim đã đến Bắc Kinh, gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây không chỉ là các chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1974-2024), mà còn phản ánh mong muốn tăng cường quan hệ song phương từ cả hai phía, bất chấp những khác biệt trong vấn đề Biển Đông. Gần đây nhất, ngày 17/10, Thủ tướng Anwar Ibrahim phát biểu trước Quốc hội Malaysia rằng tập đoàn năng lượng Petronas của Malaysia sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò dầu, khí trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia; Điều này không nhằm mục đích khiêu khích hoặc thù địch với nước nào.
Ông Ge Hongliang, Phó giám đốc Trường nghiên cứu ASEAN, Đại học Dân tộc Quảng Tây, nhận định ưu tiên trong nghị trình lần này của Thủ tướng Malaysia là hợp tác kinh tế và đầu tư. Nhận định này là có cơ sở nếu nhìn vào thành phần đoàn, lịch trình và nội dung các cuộc trao đổi của ông Anwar Ibrahim. Tháp tùng ông là hàng loạt quan chức chủ chốt trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế như Bộ trưởng Ngoại giao Mohamad Hassan, Bộ trưởng Kế hoạch, Thương mại và Công nghiệp Tengku Zafrul Abdul Aziz và Bộ trưởng Nhân lực Steven Sim Chee Keong.
Ngoài ra, bên cạnh cuộc gặp lãnh đạo chủ nhà, Thủ tướng Malaysia đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại CIIE, nơi 68 doanh nghiệp nước này có gian hàng trưng bày. Ông nhấn mạnh Malaysia ủng hộ sáng kiến “cộng đồng chia sẻ tương lai” của Chủ tịch Tập Cận Bình, khẳng định chính tầm nhìn này đã thúc đẩy Malaysia trở thành một phần của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Việc Kuala Lumpur thúc đẩy hợp tác kinh tế với Bắc Kinh là dễ hiểu, khi 15 năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 95,47 tỷ USD, chiếm 17,1% kim ngạch toàn cầu của Malaysia.
Tháo điểm nghẽn
Mong muốn này được Thủ tướng Malaysia hiện thực hóa trong buổi gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà tại Thượng Hải. Tại đây, ông nhấn mạnh quan hệ bền chặt với Trung Quốc, đồng thời khẳng định Kuala Lumpur sẵn sàng hợp tác sâu sắc với Bắc Kinh trong triển khai các dự án trong khuôn khổ Vành đai Con đường, thúc đẩy thương mại, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và Halal. Ông nêu rõ Malaysia sẵn sàng học hỏi Trung Quốc cách xóa nghèo, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trên bình diện quốc tế, Thủ tướng Malaysia ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng thời, là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm tới, Kuala Lumpur sẽ phối hợp với Bắc Kinh để giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Nhận định quan hệ song phương “bước vào một giai đoạn mới”, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Cường khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Malaysia để hiện thực hóa các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Nhấn mạnh Bắc Kinh ủng hộ các vấn đề lợi ích cốt lõi và quan tâm hàng đầu của Kuala Lumpur, Thủ tướng Trung Quốc đề xuất hai nước cùng định hướng các chiến lược phát triển, chia sẻ kinh nghiệm quản trị và tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Theo Thủ tướng Lý Cường, hợp tác chiến lược cấp cao sẽ là chìa khóa để thúc đẩy hiện đại hóa ở cả Trung Quốc và Malaysia.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi Malaysia đẩy nhanh các dự án tiêu biểu như Tuyến đường sắt bờ Đông (ECRL) và “Hai khu công nghiệp, hai quốc gia” Malaysia - Trung Quốc, và mở rộng hợp tác về các lĩnh vực mới nổi. ECRL từng là “điểm nghẽn” vào năm 2018, khi Thủ tướng Malaysia lúc đó là Mohamad Mahathir đình chỉ dự án và chỉ được nối lại vào giữa năm 2019 sau khi các bên thảo luận lại chi phí thi công.
Về các vấn đề quốc tế, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh sẽ ủng hộ Malaysia đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm sau. Bắc Kinh sẽ cùng Kuala Lumpur đẩy mạnh các cơ chế hợp tác khu vực để thúc đẩy hội nhập kinh tế và quá trình phát triển hòa bình của châu Á. Hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết, trao đổi biên bản liên quan đến dự án BRI và tập đoàn truyền thông hai nước.
Thủ tướng Anwar Ibrahim khẳng định: “Giữa chúng tôi có một số vấn đề, nhưng chúng không tác động đến quan hệ song phương, không ảnh hưởng đến quan hệ thương mại và tình hữu nghị thân thiết với các nước láng giềng”. Chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của ông là minh chứng rõ nét cho tuyên bố đó.
| Trung Quốc-Malaysia luôn giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định điều đó trong cuộc gặp Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim tại thủ đô Bắc Kinh vào ... |
| Malaysia-Trung Quốc trao đổi 14 văn kiện hợp tác Ngày 19/6, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Malaysia, hai nước đã trao đổi tổng cộng ... |
| Sức hút kỳ lạ của BRICS+, điều gì khiến Malaysia ‘say sưa’ đến thế? Giới nghiên cứu chính sách đối ngoại gần đây rất phấn khích khi Malaysia tuyên bố đang tìm kiếm tư cách thành viên của khối ... |
| Tung chương trình thị thực hấp dẫn, Malaysia có thực sự thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc? Nền kinh tế Malaysia được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ chương trình thị thực cư trú dài hạn với nhiều ưu đãi nhằm ... |
| Ý nghĩa những quả sầu riêng thơm ngon mà Quốc vương Malaysia mang tới Trung Quốc Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim đã mang theo món quà đặc biệt là loại sầu riêng nức tiếng ... |