Alibaba và đối thủ Tencent Holdings đang ngày càng chịu nhiều sức ép từ giới chức. (Nguồn: The New York Times) |
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng cho biết, sẽ tiến hành các cuộc đàm phán mang tính “giám sát và chỉ đạo” đối với công ty dịch vụ tài chính Ant Group, công ty con của Alibaba. Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi kế hoạch phát hành trái phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group không được Bắc Kinh thông qua vào phút chót.
Diễn biến trên cho thấy, sức ép ngày càng mạnh của Chính phủ Trung Quốc đối với một trong những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng nhất của nước này.
Từng được coi là lực đẩy cho sự thịnh vượng kinh tế và là biểu tượng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, Alibaba đã thành công trong cuộc cách mạng thương mại điện tử và đưa người sáng lập Jack Ma trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Tập đoàn này và đối thủ Tencent Holdings đang ngày càng chịu nhiều sức ép từ giới chức Trung Quốc, nhất là khi các hãng này đang thu hút được hàng trăm triệu người dùng và có ảnh hưởng đến gần như mọi phương diện trong cuộc sống của người dân.
Cổ phiếu của Alibaba giảm 5,48% vào phiên mở cửa ngày 24/12 tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), sau khi thông tin trên được phát đi. Trong khi đó, cổ phiếu SoftBank - cổ đông lớn nhất của Alibaba - đã "mất sạch" đà tăng sáng nay sau thông tin này. Hiện mã cổ phiếu này giảm 2,3% trên sàn Tokyo.
Hành động bất ngờ của Bắc Kinh ngày 3/11 đã cản trở đợt IPO được đánh giá là lớn nhất thế giới, với giá trị huy động ước đạt 37 tỷ USD và giáng một đòn mạnh vào Ant Group.
Theo Giáo sư Zhang Zixue, tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, gần đây đã có nhiều cuộc thảo luận về việc các công ty công nghệ lớn chuyển sang lĩnh vực tài chính, đặc biệt là liên quan đến cạnh tranh công bằng và quyền bảo mật dữ liệu.
Chuyên gia này cho rằng, Ant Group và các đơn vị trung gian nên đánh giá đầy đủ các vấn đề và rủi ro được dư luận phản ánh và thực hiện các biện pháp ngăn chặn hiệu quả.