📞

Trung Quốc: Không còn là công xưởng của thế giới nữa

20:42 | 19/06/2010
Mới đây, Foxconn Technology - một trong những hãng sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện nổi tiếng thế giới, cho biết từ tháng 10/2010 sẽ tăng gấp đôi lương công nhân cho phần lớn trong số 800.000 lao động của công ty này tại Trung Quốc. Tuần trước, Honda cũng đã đồng ý nâng lương cho khoảng 1.900 công nhân tại Trung Quốc từ 24% đến 32%. Nhiều thành phố cũng đã công bố nâng lương tối thiểu thêm 20% lên 140 USD...
Ảnh minh họa

Như vậy, mức lương mới cho mỗi lao động tại Trung Quốc sắp tới sẽ tương đương 300 USD/ tháng.

Theo các chuyên gia phân tích, những thay đổi trên được đưa ra dưới áp lực của người lao động và dư luận Trung Quốc, ngoài ra còn để ứng phó với thực tế giá thực phẩm và nhà đất tăng quá cao, lương người lao động nông thôn mất sức mua. Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng hỗ trợ tăng lương như một cách kích thích tiêu dùng nội địa và giúp nước này giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, có điều kiện đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm đổi mới hoặc có giá trị cao hơn. Đây còn là động thái hy vọng có thể giảm bớt chênh lệch giàu nghèo.

Bước ngoặt Lewis

Trung Quốc đang thực sự thiếu lao động. Nhiều nhà máy ở Trung Quốc, nhất là vùng duyên hải đang khốn khổ vì thiếu lao động, các nhà sản xuất lớn của thế giới như Foxconn cũng không ngoại lệ, có lúc tới 20.000 công nhân bỏ việc trong 1 tháng.

Công thức để xác định tình trạng này là tỷ lệ việc tìm người/ số người tìm việc cao hơn 0,96. Tỷ lệ này ở miền đông Trung Quốc trong tháng 5 là 1,01, còn ở khu vực châu thổ sông Chu lên đến 1,26. Nguồn cung từ lao động ngoại tỉnh thích hợp cho các công việc đòi hỏi nhiều lao động cũng giảm mạnh từ 120 triệu năm 2007 xuống chỉ 25 triệu. Xuất khẩu phục hồi cũng tạo thêm sức ép cho thị trường lao động nước này.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Trung Quốc đang hướng tới bước ngoặt Lewis (học thuyết kinh tế được lấy theo tên của Arthur Lewis - người đoạt giải Nobel Kinh tế 1979). Bước ngoặt đánh dấu giai đoạn là tính cạnh tranh sản xuất và tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu đi xuống khi các chi phí lao động tăng. Lu Ting, chuyên gia của Bank of America Merrill Lynch tại Hongkong cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến của Trung Quốc có thể giảm từ 11% xuống 9% vào giữa năm nay, do tác động của tình trạng lực lượng lao động trẻ bị thu hẹp.

Ảnh hưởng đến toàn thế giới

Bước ngoặt này đánh dấu sự "ra đi" về lợi thế cạnh tranh chưa từng có của lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ ở Trung Quốc. Khi đó, các quốc gia khác có chi phí nhân công thấp hơn như Ấn Độ, Việt Nam hay Bangladesh sẽ chia sẻ vai trò "công xưởng của thế giới" bằng động lực thu hút dần các nhà sản xuất toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.

Nhưng theo một số phân tích, ảnh hưởng của chi phí lao động tăng cao sẽ khác nhau đối với từng ngành. Trong khi các nhà máy chuyên sản xuất hàng giá trị gia tăng thấp có thể dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì các nhà máy sản xuất hàng điện tử công nghệ cao như điện thoại di động thông minh... sẽ vẫn tồn tại bởi Trung Quốc có hệ thống cơ sở hạ tầng và hệ thống kiểm tra chất lượng tốt.

Sự cải tổ đang đến, người lao động Trung Quốc cần được hưởng lợi tốt hơn từ tăng trưởng kinh tế của nước mình. Mary Gallagher, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan nói: "Trung Quốc sẽ không mất đi nền sản xuất bởi nước này có thị trường nội địa rộng lớn, nhưng sẽ chuyển sang sản xuất hàng có giá trị gia tăng cao. Đó mới là tham vọng của Trung Quốc. Người Trung Quốc không muốn nước họ chỉ là công xưởng của thế giới mà họ muốn sản xuất hàng công nghệ cao”.

Nhưng thế giới sẽ chịu tác động không nhỏ bởi "bước ngoặt Trung Quốc" khi người lao động nước này được tăng lương. Chi phí kinh doanh, sản xuất tại Trung Quốc tăng cao dẫn đến giá các loại hàng hóa, từ áo phông cho đến máy tính, điện thoại thông minh... sẽ đồng loạt tăng. Hàng hóa Trung Quốc sẽ không còn rẻ nữa. Dong Tao, chuyên gia kinh tế của Credit Suisse, nhận xét: "Bao lâu nay, Trung Quốc mang yếu tố kiềm chế lạm phát trên thế giới. Thế nhưng kỷ nguyên đó có thể bắt đầu đã đến hồi kết”.

Tuy nhiên, trước sức ép quốc tế, nếu chính phủ Trung Quốc quyết định nâng giá đồng nhân dân tệ so với USD vào cuối năm nay như dự báo, chi phí sản xuất tại Trung Quốc chắc chắn còn tăng nữa. Điều này sẽ làm hàng hóa của các công ty Trung Quốc tại thị trường nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn, có thể họ sẽ quay trở về thị trường nội địa. Và đây chính là mục tiêu mà Mỹ và châu Âu đang gây áp lực buộc Trung Quốc giảm thặng dư thương mại để giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Minh Anh