Công nhân trong phân xưởng của một công ty dệt may ở thành phố Hải An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: CNN) |
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 1,6% trong năm nay, trong khi nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5,2%.
Theo tính toán của CNN Business, vào cuối năm nay, tỷ trọng GDP của Trung Quốc có khả năng tăng khoảng 1,1 điểm phần trăm. Con số này cao hơn gấp ba lần thị phần mà quốc gia này đạt được vào năm 2019. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ đạt giá trị khoảng 14,6 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2020, tương đương 17,5% GDP toàn cầu.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie Group nhận định, sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc đã mạnh hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
Tạo đột phá trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng
Trung Quốc đã phục hồi kinh tế hậu Covid-19 tương đối nhanh chóng thông qua một số biện pháp của Chính phủ. Điển hình như các chính sách cách ly và theo dõi bệnh nhân nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Chính phủ cũng dành hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn và đưa ra các ưu đãi bằng tiền mặt để kích thích chi tiêu của người dân. Sự đền đáp đã được thể hiện rõ ràng khi du lịch và chi tiêu tăng trở lại trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng từ ngày 1-8/10 vừa qua.
Tuần lễ Vàng đánh dấu sự thành lập của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc và Lễ hội Mặt trăng. Đây là một trong những mùa du lịch bận rộn nhất trong năm của quốc gia này.
Dữ liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho thấy, những đại lý du lịch trực tuyến đang ghi nhận dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ trong mùa cao điểm nhất năm nay của du lịch, ngành kinh tế vốn bị thiệt hại trầm trọng vì đại dịch Covid-19.
Đã có hơn 630 triệu người đã đi du lịch khắp đất nước trong Tuần lễ Vàng, bằng gần 80% số người đã đi du lịch trong cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, chi tiêu cho khách du lịch phục hồi gần 70% so với năm ngoái, đạt 70 tỷ USD.
Doanh thu phòng vé tại các rạp chiếu phim của Trung Quốc cũng đã vượt qua 580 triệu USD trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng, chỉ kém 12% so với mức cao kỷ lục năm ngoái.
Nhà kinh tế Larry Hu cho biết, các con số kể trên là đáng khích lệ. "Khi cuộc sống đang trở lại bình thường ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén trong thời kỳ dịch Covid-19 đã được giải phóng, đặc biệt, tiêu dùng dịch vụ đang được phục hồi", ông Lary Hu nói.
Nền kinh tế đã bắt đầu khởi sắc
Theo trang CNN, ngay cả trước kỳ nghỉ lễ, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu khởi sắc.
Một thước đo chính thức chứng minh cho điều này là về hoạt động sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong tháng 9, giới chức Trung Quốc thông báo, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc đạt mức 51,5 điểm. Chỉ số PMI cho thấy, các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng.
Chỉ số này tiếp tục đi lên so với tháng 8 và cao hơn dự đoán trước đó của hãng tin Reuters. Theo khảo sát được thực hiện bởi Reuters, chỉ số PMI chỉ được kỳ vọng ở mức 51,2 điểm trong tháng 9.
Một cuộc khảo sát riêng từ tập đoàn truyền thông Caixin cũng cho hay, lĩnh vực dịch vụ cũng đang hoạt động tốt và đang ở mức cao nhất trong gần 7 năm qua.
Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group nhận định, nhìn chung, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid-19 và được cải thiện với tốc độ nhanh hơn.
Ngoài ra, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc cũng đang tăng trở lại. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ khác tại quốc gia này.
Đầu năm nay, các nhà kinh tế lo ngại, sự phục hồi của Trung Quốc quá mất cân bằng, bị thúc đẩy bởi rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng của nhà nước và không đủ chi tiêu cho người tiêu dùng.
Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Oxford Economics thì cho rằng, bất chấp căng thẳng thương mại và trên nhiều lĩnh vực khác với Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ vai trò quan trọng của nước này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Trái ngược với kỳ vọng về những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, điển hình như việc các quốc gia tính đến vấn đề ‘rời xa’ Trung Quốc, ít nhất là ở hiện tại, thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19 và giữ cho các nhà máy hoạt động đã củng cố vai trò của họ trong chuỗi giá trị toàn cầu", ông Kujis nhấn mạnh.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng 6% trong nửa đầu năm nay.
“Ngay cả khi căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng trở nên tồi tệ thời gian gần đây, nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ vẫn quan tâm đến việc hợp tác với Trung Quốc. Quyết định của Bắc Kinh về việc dỡ bỏ một số rào cản khi đầu tư vào lĩnh vực tài chính của nước này có thể đang ‘níu chân’ doanh nghiệp Mỹ”, nhà kinh tế Kujis đưa ra ý kiến.
Thách thức vẫn còn phía trước
Tuy nhiên, dù sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ, vẫn còn những thách thức ở phía trước.
Theo các nhà phân tích của Fitch Ratings, giống như ở các quốc gia khác, đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân nghèo và nông thôn của Trung Quốc.
Theo ước tính của WB, thu nhập trung bình hàng tháng của lao động nhập cư ở nông thôn đã giảm gần 7% trong quý II/2020 so với năm 2019.
Cuộc khảo sát do Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam Trung Quốc và viện nghiên cứu của Ant Group phối hợp thực hiện cũng cho thấy, các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Trung Quốc, những người có thu nhập dưới 7.350 USD/năm là nhóm phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Các nhà phân tích của Fitch Ratings khẳng định, những thống kê trên chứng minh rằng, sự phục hồi tiêu dùng gần đây có thể đã nghiêng về phía các nhóm thu nhập cao hơn.
Thêm vào đó, nhà kinh tế Kuijs của Oxford Economics cho rằng, căng thẳng Mỹ-Trung vẫn là mối lo ngại đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, ngay cả khi đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên.
Ông Kujis nhận thấy, nếu Mỹ tách biệt “đáng kể” khỏi Trung Quốc, trong trường hợp các nước phát triển khác vẫn duy trì hầu hết các mối quan hệ thương mại như hiện tại, tăng trưởng của quốc gia này sẽ có xu hướng giảm 0.5 điểm phần trăm mỗi năm cho đến năm 2040.
“Ngược lại, nếu các nước phát triển khác hòa cùng làn sóng ‘thoát Trung’, GDP của Trung Quốc sẽ giảm mạnh”, nhà kinh tế Kuijs dự đoán.