Thời gian qua, Trung Quốc đã tăng cường hiện diện cả dân sự và quân sự quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản, với ý đồ từng bước làm suy sụp sức kháng cự của Tokyo. Đến nay, chiến lược này dường như đã đạt được hiệu quả.
Trong một phần của chiến lược trên, Trung Quốc đã điều các máy bay quân sự tiến hành hàng trăm chuyến bay trong khu vực, buộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) phải điều máy bay chiến đấu ngăn chặn từ sáng tới tối. Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng mặc dù chiến thuật này đang khiến đội ngũ nhân lực và trang thiết bị của JSDF trở nên kiệt sức, song cũng trở thành một rủi ro lớn đối với Trung Quốc.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn là điểm nóng trong quan hệ Trung-Nhật những năm qua. (Nguồn: Kyodo) |
Từ năm 2008, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) đã bắt đầu báo cáo về số lượng tàu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khoảng thời gian đó, chỉ xảy ra một vài vụ việc như vậy, với tần suất không vượt quá 10 vụ/năm. Tuy nhiên, từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này tháng 9/2012 tới cuối 2012, Trung Quốc đã điều 428 lượt tàu Hải cảnh tới vùng biển ngoài khơi cách Senkaku/Điếu Ngư từ 12 đến 24 hải lý.
Từ năm 2013 đến năm 2018, bình quân mỗi năm có 720 lượt tàu Hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển tương tự. Trong năm 2020, 1.157 tàu Hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển tiếp giáp Senkaku/Điếu Ngư, tăng hơn 5% so với năm 2019 và gần gấp 3 lần so với năm 2012.
Tháng 7/2020, Kyodo dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản tiết lộ các chuyến bay thường xuyên của Trung Quốc đã buộc Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) xuất kích trên biển Hoa Đông từ lúc bình minh cho tới khi mặt Trời lặn trong mỗi ngày. Kể từ đó, Tokyo và Bắc Kinh đã nhất trí tái khởi động đàm phán về Senkaku/Điếu Ngư, song vẫn còn rất nhiều sự nghi ngờ cần phải vượt qua.
Ông Derek Grossman - chuyên gia an ninh của RAND Corporation cho rằng sức ép từ các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã khiến năng lực duy trì các hoạt động bình thường của JASDF đối mặt với tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Ông Grossman nhận định: “(JASDF) đã phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi của đội ngũ phi công, cũng như chi phí bảo trì máy bay… (và) xu hướng thường xuyên hóa các hoạt động ngăn chặn khiến JASDF gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xác định sự khác nhau giữa các vụ việc. Đó chính xác là tâm lý không chắc chắn mà Bắc Kinh muốn gieo vào các đối thủ tiềm tàng của họ trước một cuộc xung đột vũ trang thực sự”.
Trong khi đó, chuyên gia Timothy Heath - cũng làm việc cho RAND Corporation - nhận định chiến lược của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư dựa trên ý đồ từng bước làm suy sụp sức kháng cự của Nhật Bản để Tokyo cuối cùng phải chấp nhận mà không cần phải giao tranh.
Theo ông Heath, Trung Quốc hiện nắm giữ một số nhân tố có lợi. “Trước hết, số lượng khổng lồ của các nguồn lực sẵn có dành cho lực lượng Hải cảnh và Hải quân Trung Quốc mang lại lợi thế vật chất quan trọng. Nhật Bản không thể có được số lượng tàu thuyền và máy bay tương tự Trung Quốc. Tokyo sẽ trở nên kiệt sức nếu cố gắng làm như vậy”.
Tuy nhiên, ông Heath cũng cảnh báo chiến lược của Trung Quốc có thể thất bại nếu Nhật Bản và Mỹ đáp trả sức ép ngày càng lớn bằng cách đẩy mạnh hợp tác gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, qua đó làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng hoặc xung đột mà không quốc gia nào mong muốn. Chuyên gia trên kết luận: “Sự sụp đổ của quan hệ Trung-Nhật có thể khiến Tokyo trở thành kẻ thù và khiến cho tình hình an ninh Trung Quốc trở nên kém ổn định hơn về mặt tổng thể”.