Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thành phố Samarkand tối ngày 14/9, bắt đầu chuyến thăm Uzbekistan, tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 22 và gặp song phương với Tổng thống Nga Putin. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Nhận định về cuộc gặp này, ông Christian Le Miere - cố vấn chính sách đối ngoại, đồng thời là người sáng lập và giám đốc điều hành của Arcipel, một công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại London (Anh) – viết trên trang tin Channel News Asia rằng cả hai nhà lãnh đạo đang muốn chứng minh nhiều điều.
Do đại dịch Covid-19, ông Tập Cận Bình đã không ra nước ngoài kể từ sau chuyến đi đến Myanmar vào tháng 1/2020. Đến ngày 14/9, ông mới lại xuất ngoại, lần này ông có chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan, sau đó dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan.
Nhưng điểm nhấn được quan tâm nhất trong chuyến công du của ông là cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thời điểm diễn ra cuộc gặp rất quan trọng. Đối với Nga, chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang diễn biến theo chiều hướng bất lợi, trước sức phản công của Ukraine.
Còn Trung Quốc, nền kinh tế của nước này vẫn chậm chạp trong bối cảnh tiếp tục áp dụng “chính sách Zero Covid-19 linh hoạt” và ngành bất động sản vẫn trong trạng thái ảm đạm. Ông Tập Cận Bình cũng đang chuẩn bị cho Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 16/10, mà nhiều khả năng ông sẽ tái cử nhiệm kỳ thứ ba.
Chuyến công du nước ngoài lần này là dịp để ông Tập Cận Bình thể hiện mình là một chính khách quốc tế, nhưng cũng là cơ hội để ông củng cố mối quan hệ với Nga, vào thời điểm Moscow đang rất cần đồng minh.
Hồi tháng 2/2022, Tổng thống Putin và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định "chắc nịch" về sự “không có giới hạn” trong quan hệ đối tác giữa hai nước.
Cụm từ này gần như ngay lập tức cần được chứng minh. Khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu từ ngày 24/2, Trung Quốc đã từ chối lên án Nga. Bắc Kinh đồng thời chỉ ra nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là Mỹ, vì đã kích động Nga bẳng cách mở rộng NATO về phía Đông.
Trung Quốc cũng ủng hộ mua dầu của Nga, với chiết khấu cao. Vào tháng 5, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã tăng 55% so với cùng kỳ năm trước, thay thế Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp lớn nhất của nước này.
Với Moscow, trước làn sóng tẩy chay dầu khí từ châu Âu, việc tìm được một đối tác thương mại thay thế đáng tin cậy như Bắc Kinh là rất cần thiết.
Mối quan hệ Nga-Trung được bồi đắp qua nhiều thập kỷ, trên cơ sở xuất khẩu năng lượng và quốc phòng từ Moscow sang Bắc Kinh, cho dù vẫn tồn tại những bất đồng.
Quan hệ đó ngày càng bền chặt, nhận thức giữa hai bên ngày càng sâu sắc về các mục tiêu chiến lược chung, đặc biệt là trong việc xây dựng bức tường chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á.
Vì vậy, việc Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin gặp nhau lần này là cơ hội để cả hai chứng minh cho thế giới thấy mối quan hệ đồng minh của họ.
Tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư đến Nga, và thống nhất với phía Nga về nội dung cho cuộc gặp thượng đỉnh lần này là ở “mức độ chưa từng có” của sự phối hợp chiến lược và hợp tác thực tế.
Trung Quốc và Nga có thể có những cảnh giác nhất định với nhau, nhưng hoàn cảnh và sự cần thiết chiến lược đang đẩy họ về phía nhau.