📞

Trung Quốc - Nhật Bản: Nguy cơ chiến tranh kinh tế

10:18 | 21/09/2012
Tại Trung Quốc, các sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản từ xe ô tô đến máy ảnh, đã bị đám đông phá hủy không thương tiếc. Các cuộc biểu tình chống Nhật đã lan rộng trên 85 thành phố của Trung Quốc, buộc các công ty Nhật Bản phải đóng cửa nhà máy và tạm ngừng hoạt động, các tên tuổi như Panasonic, Toyota, Nissan lần lượt rơi vào tình trạng nguy hiểm. Nhiều người biểu tình Trung Quốc kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản.
Xe ô tô của người Nhật bị đập phá tại Trung Quốc.

Hiệp hội buôn bán ô tô Trung Quốc (TQ) nhận định thiệt hại mà các hãng ô tô Nhật đang phải gánh chịu còn nặng nề hơn cả trận động đất hồi tháng 3/2011. Cuộc khủng hoảng quan hệ ngoại giao tồi tệ nhất từ năm 2005 đang đe dọa mối quan hệ thương mại vốn đã tăng gấp 3 trong thập kỷ qua và chạm mốc giá trị 340 tỷ USD.

Khi"chủ nợ" nổi giận

Một chuyên gia tư vấn cao cấp cho chính phủ TQ còn kêu gọi tấn công vào thị trường trái phiếu của Nhật Bản (NB) nhằm dồn đất nước "mặt trời mọc" vào 1 cuộc khủng hoảng mới. Điều này sẽ xảy ra trừ khi Tokyo rút lại quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư.

Chuyên gia của Cơ quan quản lý thương mại quốc tế - cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại TQ -Jin Baisong cho rằng, TQ nên sử dụng sức mạnh là chủ nợ lớn nhất của NB. Trên tờ China Daily, ông này kêu gọi TQ áp dụng các điều khoản ngoại lệ liên quan đến vấn đề an ninh được qui định bởi WTO để trừng phạt NB. Lời kêu gọi được đưa ra bất chấp có nhiều lập luận cho rằng chiến tranh thương mại có nguy cơ phá hủy cả 2 "gã khổng lồ".

Hiện TQ đang nắm giữ số lượng trái phiếu trị giá 230 tỷ USD và do đó có thể áp đặt các lệnh cấm vận khiến Tokyo phải đương đầu với 1 cuộc khủng hoảng tài khóa trầm trọng. Nếu bị TQ tấn công trên thị trường trái phiếu, Ngân hàng TƯ Nhật chỉ có thể mua vào để đối phó và như vậy đồng yên sẽ yếu đi nhanh chóng.

Trong khi đó, Hong Kong Economic Journal cũng đưa tin TQ đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung đất hiếm xuất sang thị trường NB. Đất hiếm vốn là vật liệu hết sức cần thiết cho các ngành công nghệ cao và đây lại là ngành mà NB chú trọng phát triển. Trước tình hình này, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo sẽ hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với nhiều nhà xuất khẩu của NB nếu như tình hình tiếp tục xấu đi.

TQ và NB cũng đang ráo riết chạy đua vũ trang. Nếu xung đột lên đến đỉnh điểm, tác động dễ nhìn thấy nhất là khối lượng tiết kiệm khổng lồ của toàn châu Á sẽ sụt giảm nghiêm trọng và kéo theo đó là thế giới lại bị đẩy vào 1 cuộc khủng hoảng mới. Không những thế, quan hệ thương mại và lợi ích kinh tế giữa nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới đã trở nên rất khăng khít, tranh chấp này có thể là đòn mạnh giáng vào không chỉ các nước châu Á mà còn cả đối với kinh tế toàn cầu.

Ai thiệt hơn?

Theo phân tích của Jin, TQ có thể hy sinh lượng hàng xuất khẩu sang NB trong khi chỉ phải gánh chi phí tương đối nhỏ bởi các hàng hóa xuất sang NB đều có ít giá trị gia tăng. Ngược lại, NB lại phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu từ TQ để có thể giữ vững nền kinh tế và bù đắp sự suy giảm nghiêm trọng trong lực cầu.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa 2 nước càng làm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng của 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, Trung - Nhật đều đang lao đao vì nhu cầu nhập khẩu từ châu Âu giảm mạnh do khủng hoảng nợ.

Theo chuyên gia của ANZ - Liu Li-Gang, bất ổn kinh tế đã được tăng lên 1 mức mới. Tăng trưởng của NB phụ thuộc rất nhiều vào TQ và ngược lại. Tuy nhiên, TQ sẽ chịu ít thiệt hại hơn. Các cuộc biểu tình nổ ra trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa 2 nước đang bị xấu đi do tăng trưởng kinh tế của TQ tiếp tục suy giảm trong quý II và chạm mức thấp nhất 3 năm.

Năm 2011, TQ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho các doanh nghiệp NB trong khi NB chiếm vị trí thứ 4 đối với xuất khẩu của TQ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của TQ sang NB đạt 148,3 tỷ USD trong khi kim ngạch chiều ngược lại là 194,6 tỷ USD. Tháng trước, doanh số bán hàng của các nhãn hiệu xe hơi NB tại TQ cũng đã sụt giảm trong khi tăng hơn 10% ở các nước Đức, Mỹ và Hàn Quốc. TQ hiện là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới. Rất nhiều hãng buôn bán ô tô NB ở TQ đã phải đóng cửa sau khi các cửa hàng bị người biểu tình tấn công.

Trên sàn chứng khoán Hong Kong, cổ phiếu của một số công ty NB đã có những phiên giảm điểm mạnh nhất, như Ajisen China Holdings Ltd, Aeon Stores (Hong Kong) Co…

Hãng vật liệu xây dựng lớn thứ 2 thế giới Komatsu cũng vừa cắt giảm dự báo lợi nhuận năm do TQ thực hiện chiến dịch thắt chặt hơn với thị trường nhà đất. Trong tổng doanh thu 1,98 nghìn tỷ yên của tháng 3 vừa qua, 14% đến từ TQ.

Tuy nhiên, căng thẳng không khiến NB ngừng đầu tư vào TQ. Trong 7 tháng đầu năm, lượng vốn FDI từ các công ty NB đổ vào TQ đã tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 4,37 tỷ USD. Trong khi đó, FDI từ châu Âu giảm 2,7% và từ Mỹ tăng 1%.

Minh Anh (Theo Bloomberg, Telegraph, Diplomat)