Khoảng 40% lượng khí thải methane của Trung Quốc là khí thoát ra trong quá trình khai thác than. (Ảnh: Marketscreener) |
Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Trung Quốc, ông Xie Zhenhua cho biết bên lề Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El Sheikh (Ai Cập) hôm 9/11 rằng, kế hoạch hành động mới của Trung Quốc đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế phát thải methane từ năng lượng, nông nghiệp và chất thải.
Xử lý methane đã trở thành một phần chính trong nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C. Bên cạnh kế hoạch kiểm soát khí methane, nước này sẽ thúc đẩy các công nghệ và cơ chế tài chính mới để giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hiện cao gấp 80 lần so với carbon dioxide (CO2).
Lượng khí thải cao nhất thế giới
Lượng khí thải của Trung Quốc hiện cao nhất thế giới và chiếm khoảng một phần năm tổng lượng khí thải toàn cầu. Mặc dù không ký “Cam kết về khí methane toàn cầu” năm 2021, nhưng nước này đã đồng ý “phát triển các biện pháp bổ sung” kiểm soát khí methane.
Các chính quyền địa phương ở Trung Quốc gần đây cũng cam kết hành động mạnh mẽ hơn trong hạn chế khí thải và một chương trình quốc gia thí điểm sẽ bắt đầu vào đầu năm tới để tìm kiếm các phương pháp tốt nhất nhằm kiểm soát và giám sát loại khí này.
Tuy nhiên, ông Xie cho biết, khả năng kiểm soát khí thải của Trung Quốc vẫn còn ở mức “yếu” và trọng tâm hiện tại là các mục tiêu sơ bộ như cải thiện khả năng giám sát.
Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo, hiện trạng của Trung Quốc có thể khiến những nỗ lực giảm phát thải này tốn kém và khó khăn hơn so với nước khác.
Không giống như ở Mỹ, nơi dầu và khí đốt là nguồn chính gây ra khí thải, khoảng 40% lượng khí methane của Trung Quốc thoát ra trong quá trình khai thác than, theo Chương trình Phát triển Xanh sáng tạo (IGDP), một tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc. 42% khác là từ nông nghiệp, bao gồm chăn nuôi và trồng lúa.
Phó Giáo sư Zhang Yuzhong, nhà nghiên cứu tại Đại học Tây Hồ cho biết: “Nhiều nguồn khí methane là khí thải tự do, rất khó xác định chính xác”.
Đặc phái viên khí hậu Xie cho biết, cần phải thay đổi tư duy, coi các loại khí gây hiệu ứng nhà kính như methane là nguồn tài nguyên tiềm năng sử dụng được.
Methane là thành phần chính của khí thiên nhiên và các lớp than đá có chứa lượng methane đáng kể. Trong các vỉa tầng than đá, methane thường nằm phân tán trong các lỗ, các vết nứt của tầng than. Loại khí thiên nhiên này được gọi là khí methane trong tầng than đá (coal-bed methane).
Theo nghiên cứu của tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu, việc tận dụng sử dụng khí methane trong tầng than đá trở thành một ngành công nghiệp chính ở Trung Quốc, chính điều này giúp giảm lượng khí phát thải ra khí quyển ở tỉnh Sơn Tây phía Bắc Trung Quốc. Tỉnh này là nơi sinh ra lượng khí methane từ các mỏ than bằng các vùng khác trên thế giới cộng lại.
Cần thêm cơ chế và kế hoạch
Việc giảm lượng khí thải phát sinh từ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được coi trọng. Nông dân Trung Quốc được khuyến khích xây các bể tự hoại để xử lý phân của động vật nuôi nhằm tận dụng khí thải sinh học. Việc sử dụng toàn diện chất thải nông nghiệp của Trung Quốc có thể giúp giảm phát thải khí methane.
Một thách thức lớn hơn là cắt giảm lượng khí thải từ những cánh đồng lúa, nơi sinh ra loại vi khuẩn thải ra khí methane. Phó giáo sư Zhang của Đại học Tây Hồ cho biết, bất kỳ giải pháp nào cũng đòi hỏi những thay đổi của hàng triệu nông dân trong thực tế sản xuất.
Chuyên gia Ryan Driskell Tate của tổ chức Giám sát Năng lượng toàn cầu, nghiên cứu về phát thải khí methane của Trung Quốc nói rằng, cho đến nay, những nỗ lực của nước này nhằm kiểm soát khí methane vẫn chưa đủ. Ông nói: “Trung Quốc sẽ cần các cơ chế thực thi và kế hoạch thực hiện để đạt được các mục tiêu của mình”.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu năm 2030 là thời điểm để giảm phát thải CO2 cao nhất đối với ngành vật liệu xây dựng.
Vật liệu xây dựng là ngành phát thải thứ ba sau điện và thép. Theo dữ liệu đã công bố, chỉ riêng ngành công nghiệp xi măng của Trung Quốc đã phát thải lượng carbon bằng toàn bộ ngành sản xuất năng lượng của Ấn Độ. Cũng như việc Trung Quốc tiếp tục ưu tiên sử dụng than để đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng của mình, thì lời giải thích tốt nhất cho điều này là lý do kinh tế.
Tại Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow (Anh), ngày 10/11/2021, Mỹ và Trung Quốc đã công bố thỏa thuận tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, thông qua giảm phát thải khí methane, bảo vệ rừng và loại bỏ dần than đá.
Thỏa thuận khung được Đặc phái viên khí hậu của Mỹ John Kerry và Đặc phái viên khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua công bố tại Hội nghị COP26, và được đánh giá là đã đưa hội nghị thượng đỉnh đi đến thành công.
Tuyên bố chung, có tên “Tăng cường hành động vì khí hậu trong những năm 2020” cho biết, Mỹ và Trung Quốc “thừa nhận mức độ nghiêm trọng và cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu” và sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2021 rằng Trung Quốc sẽ đạt được mức độ trung lập carbon trước năm 2060.
| COP27: Trung Quốc chia sẻ về nỗ lực trung hòa carbon, Czech cam kết giảm 30% phát thải khí methane Ngày 6/11, Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) thông báo Bắc Kinh đã có bước ... |
| Những nỗ lực chống biến đổi khí hậu nào sẽ được thúc đẩy tại Hội nghị COP27? Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại ... |
| Nỗ lực cải thiện năng lực quốc phòng, Nhật Bản có thể triển khai tên lửa siêu vượt âm năm 2030 Kế hoạch triển khai tên lửa siêu vượt âm diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện năng lực quốc phòng ... |
| Đi tìm thủ phạm làm gia tăng lượng khí methane trong khí quyển TGVN. Trong quá trình tiến hành nghiên cứu nồng độ khí methane của thành phố Los Angeles, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công ... |
| Giảm khí thải nhà kính khó hơn dự tính Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 5/10 cho thấy lượng khí thải methane gây hiệu ứng nhà kính trên thực tế ... |