Lỗi do chi phí đắt đỏ
Năm 2016, Trung Quốc áp dụng chính sách sinh con thứ hai, trong năm đầu, hơn 17 triệu trẻ em đã ra đời. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh trong năm 2018 chỉ còn 15,23 triệu. Điều này cho thấy chính sách sinh con thứ hai của quốc gia đông dân nhất thế giới đã không đáp ứng được kỳ vọng.
Theo một cuộc nghiên cứu năm 2017, hơn 50% số gia đình Trung Quốc không có ý định sinh con thứ hai và nguyên nhân chính là do chi phí nuôi con quá đắt đỏ.
Chen Huijuan và con trai của cô. (Nguồn: CNN) |
Sống tại Tô Châu, Chen Huijuan là giáo viên trung học với mức lương 730 USD/ tháng (khoảng 5.000 Nhân dân tệ). Chồng cô là nhân viên bán hàng cho một công ty Mỹ có trụ sở tại Thượng Hải với mức lương 2.500 USD/ tháng (khoảng 16.000 Nhân dân tệ). Mỗi năm, gia đình Chen đã dành khoảng 1/3 thu nhập để nuôi dạy đứa con trai 2 tuổi. “Tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ sinh đứa nữa vì quá tốn kém”, Chen nói.
Việc tăng trưởng dân số chậm lại khiến Trung Quốc – một đất nước vốn ưu tiên việc tăng trưởng kinh tế, phải vật lộn với lực lượng lao động ngày càng thu hẹp và tình trạng dân số già đi.
Theo số liệu chính thức, năm 2017, có hơn 240 triệu dân Trung Quốc (chiếm hơn 17% dân số) trên 60 tuổi. Năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên 480 triệu người. Nhiều người lo ngại đến năm 2030, dân số Trung Quốc sẽ bị thu hẹp, đất nước này sẽ già đi trước khi trở nên giàu có.
Những “đứa trẻ triệu đô”
Để nuôi một đứa trẻ, phụ huynh Trung Quốc phải đối mặt với nhiều chi phí cần thiết như giáo dục, giải trí, y tế... điều đó biến những đứa trẻ tại đây trở thành những “đứa trẻ triệu đô”. Các chuyên gia nước này cho biết, chi phí nuôi dạy một đứa trẻ tại đây đã tăng mạnh khi mức sống được cải thiện và người dân không còn tin tưởng vào chất lượng các sản phẩm trong nước.
Các bậc phụ huynh tại Trung Quốc phải dành nhiều chi phí cho sinh hoạt, giáo dục, giải trí, y tế của con cái. (Nguồn: CNN) |
Năm 2008, vụ bê bối sữa trẻ em Trung Quốc bị nhiễm độc đã khiến ít nhất 6 em bé tử vong, hàng trăm ngàn trẻ em bị sỏi thận và các vấn đề về đường tiết niệu. Vụ bê bối đó đã khiến nhiều phụ huynh nước này ám ảnh và chuyển sang sử dụng các sản phẩm nhập khẩu.
Ngoài chi phí về sinh hoạt, chi phí giáo dục và giải trí cũng là một vấn đề tại nước này. Manhong Lai, giáo sư tại Đại học Hong Kong cho biết, các gia đình Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học tập từ nhỏ. Đặc biệt, việc chỉ sinh một con duy nhất, khiến họ đầu tư nhiều hơn, nhất là giáo dục cho con cái.
Chen đã dùng toàn bộ tiền lương của cô để chi cho việc học ngoại ngữ của con trai mình. Đó chưa kể chi phí giáo dục ngoại khóa khác mà con trai cô tham gia trong suốt một năm.
Tương tự, Fan Meng và chồng cô là những chuyên gia làm việc tại Bắc Kinh, nhưng cả hai đều khẳng định sẽ không sinh con thứ hai. "Ngày nay, việc nuôi dạy một đứa trẻ thực sự tốn kém cho một gia đình", Fan chia sẻ.
Con gái 5 tuổi của Fan, Qi Xuanru thích chơi nhạc cụ, trượt tuyết và lặn. Fan cho biết, họ muốn đầu tư tốt nhất cho con gái mình, ngay cả khi chi phí cao. "Trẻ em ngày nay không giống như khi chúng ta còn nhỏ. Chúng ta chỉ đơn giản là cần được đưa đến trường, bây giờ bọn trẻ có những sở thích riêng của mình", cô nói.
Tại Trung Quốc, hệ thống y tế công cộng luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều phụ huynh lo lắng rằng dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản của chính phủ không đáp ứng được yêu cầu điều trị các bệnh hiểm nghèo.
Để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con thứ hai, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ tài chính cho các gia đình có con thứ hai, đồng thời tăng thời gian nghỉ thai sản. Điển hình như tại tỉnh Hồ Bắc đã có dịch vụ sinh con miễn phí cho phụ nữ sinh con thứ hai hay một thành phố khác thì tặng 1.200 Nhân dân tệ (khoảng 179 USD) cho những cặp vợ chồng sinh thêm con. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng tại Trung Quốc cho rằng, nuôi dạy một đứa con duy nhất là điều phù hợp với khả năng của họ hơn.
Uyển Đình
(theo CNN)