Nước lũ sông Trường Giang dâng sát bờ đê thành phố Dương Trung, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, vào ngày 17/7. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Dự án Tam Hiệp của Trung Quốc, một trong những đập thủy điện lớn nhất thế giới, đang gồng mình giữ lại nước lũ từ thượng nguồn sông Trường Giang đổ về. Tính đến chiều 21/7, mực nước ở Tam Hiệp đã cao đến 162 m. Con đập chỉ được thiết kế để giữ lại lượng nước cao 145 m, theo Nikkei Asian Review.
Trước tình trạng mưa lớn kéo dài bắt đầu từ tháng 6, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã cho phép đập giữ lại nhiều nước hơn để hạn chế lũ lụt tại hạ nguồn. Dự án bắt đầu xả lũ từ cuối tháng 6 để kiểm soát lượng nước trong hồ chứa.
Thời gian đầu, đập Tam Hiệp cho thoát khoảng 30.000 m³ nước/giây. Đến ngày 18/7, con số này lên đến 61.000 m³/giây, theo Tân Hoa xã. Khi đó, giới chức Trung Quốc cho biết đập Tam Hiệp giữ lại khoảng 45% lượng nước đi qua dự án.
Hơn 400 dòng sông tại Trung Quốc đang trải qua lũ lụt, ảnh hưởng đến khoảng 24 triệu người trong tháng 7 và gây nên thiệt hại kinh tế khoảng 64,4 tỷ NDT (khoảng 9,2 tỷ USD). Bộ Thủy lợi Trung Quốc nhấn mạnh, mọi con đập trên dòng Trường Giang đều đang được giám sát an toàn thông qua mạng lưới khoảng 30.000 trạm kiểm tra và trạm bơm điều tiết.
Tuy nhiên, truyền thông nước này cũng bắt đầu bày tỏ lo ngại rủi ro vỡ đập tại một số nơi nếu mưa lớn kéo dài. Bộ Thủy lợi Trung Quốc dự báo mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 23/7. Trung tâm Khí tượng Quốc gia đã khuyến cáo mọi khu vực đang chịu ảnh hưởng từ mưa lũ phải đề cao cảnh giác.
Một số công ty có nhà máy tại Vũ Hán, một trong các trung tâm công nghiệp Trung Quốc, bắt đầu lo ngại về tình hình lũ lụt hiện nay.
Đơn cử là Honda Motor. Công ty Nhật Bản có đến 3 nhà máy tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Các cơ sở này xuất xưởng gần 1/2 trong tổng số 1,37 triệu phương tiện mà Honda Motor sản xuất tại Trung Quốc trong năm 2019. Viễn cảnh lũ lụt nghiêm trọng có thể gây nên thiệt hại nặng cho công ty.
Theo các số liệu được công bố, Trung Quốc được xem là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đã khôi phục hoạt động trở lại với cấp độ trước đại dịch. Những thành quả đó đang bị nước lũ sông Trường Giang đe dọa.