📞

Trung Quốc phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

15:12 | 03/09/2016
Ngày 3/9, Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trung Quốc là một quốc gia phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. (Nguồn: Getty)

Tại cuộc họp kết thúc phiên thảo luận kéo dài một tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua "đề xuất xem xét và phê chuẩn Hiệp định Paris". Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là văn kiện quốc tế quan trọng có tính ràng buộc pháp lý trong việc kiểm soát khí thải sau năm 2020.

Tuyên bố này được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), sẽ khai mạc vào ngày mai (4/9) tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Ước tính, các quốc gia G20 chịu trách nhiệm cho khoảng 80% lượng khí thải carbon toàn cầu.

Tháng 12 năm ngoái, gần 200 quốc gia đã nhất trí ký thỏa thuận này tại Paris (Pháp) nhằm chung tay cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính và giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C. Cho đến nay đã có 23 quốc gia khác cũng đã phê chuẩn Hiệp định Paris, song các nước này chỉ chiếm 1% lượng khí phát thải toàn cầu.

Trung Quốc là một quốc gia phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới (hơn 20%). Nước này cũng phải hứng chịu nhiều hậu quả của ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng.

Các chuyên gia đánh giá, qua động thái này, Bắc Kinh đang thể hiện với thế giới rằng nước này đóng vai trò chủ động, tích cực trong giải quyết một trong những thách thức lớn của thế giới là vấn đề biến đổi khí hậu. Động thái này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận Paris vào cuối năm nay.

Mỹ, quốc gia có lượng phát thải lớn thứ hai thế giới (17,9%), hiện cũng đang trong quá trình triển khai thông qua Hiệp định này nhằm nỗ lực thực thi thỏa thuận Paris vào cuối năm nay.

Theo các chuyên gia, hiện mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C đang có nguy cơ bị xâm phạm. Các cơ quan Liên hợp quốc dự đoán diễn biến thời tiết năm 2016 lại có thể tiếp tục đạt mức nắng nóng kỷ lục, vượt cả năm ngoái.

Mặc dù nhận thức rõ ràng mối hiểm họa từ biến đổi khí hậu, song việc cắt giảm lượng khí thải tại các quốc gia vẫn gặp rất nhiều trở ngại do nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng dựa trên phát triển sản xuất công nghiệp.

(theo Reuters)