Một tên lửa Trường Chinh-2D mang theo chùm vệ tinh PIESAT-1 được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), ngày 30/3. (Nguồn: Xinhua) |
Chùm vệ tinh PIESAT-1 được phóng vào lúc 18h50' giờ Bắc Kinh (tức 17h50 giờ Việt Nam) từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên ở tỉnh Sơn Tây miền Bắc Trung Quốc và sau đó đi vào quỹ đạo dự kiến.
Nó có cấu trúc giống bánh xe gồm vệ tinh chính quay quanh trục trung tâm và 3 vệ tinh phụ cách đều nhau trong "bánh xe" hình elip và quay xung quanh vệ tinh chính. Các vệ tinh phụ này cách vệ tinh chính khoảng vài trăm mét.
PIESAT-1 có khả năng duy trì sự ổn định và an toàn không gian nhờ sự kiểm soát quỹ đạo chính xác thông qua các kết nối liên vệ tinh và kết nối đồng bộ hóa pha. Bốn vệ tinh trong chùm vệ tinh PIESAT-1 được trang bị các radar khẩu độ tổng hợp đo giao thoa (InSAR) - công cụ hữu hiệu để đo những thay đổi trên mặt đất.
Các InSAR chụp 2 hình ảnh vào những thời điểm khác nhau bằng các tín hiệu radar phản xạ từ khu vực mục tiêu trên Trái Đất, sau đó cho chúng giao thoa với nhau để tạo ra các bản đồ gọi là ảnh giao thoa, cho thấy sự dịch chuyển trên mặt đất giữa 2 khoảng thời gian.
So với các InSAR truyền thống, chùm vệ tinh PIESAT xếp theo hình bánh xe có thể tạo ra nhiều đường cơ sở giao thoa hơn, do đó tăng hiệu quả vẽ bản đồ.
PIESAT-1 chủ yếu được sử dụng để cung cấp các dịch vụ dữ liệu viễn thám thương mại, có khả năng tiến hành đo đạc đất đai toàn cầu hiệu quả cao và nhanh. Nó có thể thực hiện theo dõi biến dạng ở mức mm để xác định tình trạng đất lún, sụt lở, qua đó có thể phát hiện sớm các thảm họa địa chất lớn.
Được biết, PIESAT-1 do công ty chế tạo vệ tinh Galaxy Space Beijing Network Technology thiết kế và công ty PIESAT - nhà cung cấp dịch vụ vận hành và ứng dụng vệ tinh tại Trung Quốc quản lý.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 2D là tên lửa đẩy 2 tầng với lực đẩy cất cánh 300 tấn. Đây là chuyến bay thứ 469 của tên lửa đẩy Trường Chinh.