📞

Trung Quốc rộ mốt cho con học đàn piano

Bảo Nhân 16:31 | 23/11/2019
TGVN. Sự khởi sắc trong kinh doanh của Yamaha – một thương hiệu nhạc cụ nổi tiếng của Nhật Bản thời gian gần đây, cho thấy xã hội Trung Quốc đang quan tâm nhiều hơn đến bộ môn ngoại khóa vốn luôn được xem là quý tộc này.    
Ước tính 40 triệu trẻ em Trung Quốc đang học đàn piano như một bộ môn ngoại khóa thời thượng. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Công ty Yamaha đang gia tăng thị phần tại Trung Quốc với doanh số bán hàng ngày càng lớn, thậm chí có phần còn vượt cả “quê nhà” Nhật Bản. Báo cáo doanh thu của Yamaha cho thấy, hoạt động kinh doanh của công ty này tại Trung Quốc – dẫn đầu là đàn piano đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm trở lại đây và thị trường Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 17% thị phần của Yamaha trên toàn cầu, tăng từ 5% so với năm 2009.

Nhà nhà học piano

Hãng thông tấn BBC (Anh) từng đăng tải bài viết về “cơn cuồng học đàn piano” của trẻ em Trung Quốc con số kỷ lục ước tính 40 triệu trẻ em nước này đang học đàn piano như một bộ môn ngoại khóa thời thượng.

Việc cho con đi học đàn piano cũng là một cách để cha mẹ thể hiện đẳng cấp, bởi một tiết học đàn 45 phút với giáo viên chất lượng có giá 300 Nhân dân tệ (khoảng gần 1 triệu đồng). Chi phí học đàn đắt là thế, nhưng những giáo viên dạy đàn có tiếng thường không bao giờ hết việc.

Cô Liu Yeqing, một giáo viên dạy piano tại thành phố Châu Hải gần Macao cho biết: “Khi mức thu nhập ngày càng được cải thiện, đời sống khá hơn, thời gian gần đây, rất nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc cho con cái theo học piano. Với nhiều người, điều đó còn đồng nghĩa với hiện thực hóa giấc mơ sở hữu một cây đàn piano từ thời thơ bé”.

Khi Trung Quốc bắt đầu có những nghệ sĩ piano được biết tới, như Lang Lang hay Li Yundi, các bậc phụ huynh Trung Quốc càng hy vọng con mình có thể thành tài, trở thành nghệ sĩ lớn bước ra thế giới.

Cũng theo cô Liu Yeqing, việc biết thêm một môn năng khiếu như chơi đàn piano cũng là một điểm cộng khi xét điểm vào các kỳ tuyển sinh trung học và đại học. “Chi phí cho các môn học năng khiếu cũng là một trong những chi phí giáo dục phổ biến của các gia đình trung lưu Trung Quốc”, cô Liu cho hay.

Nghiên cứu của Công ty truyền thông Sina (Trung Quốc) cho thấy, các hộ gia đình có trẻ nhỏ, chi phí cho giáo dục thường chiếm tới 26% tổng chi tiêu trong gia đình. Theo một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Benesse có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), có đến 90% trẻ em Trung Quốc tại khu vực thành thị tham gia các lớp học thêm ngoài giờ học chính khóa. Trong các môn năng khiếu ngoại khóa, âm nhạc là lựa chọn phổ biến thứ ba, chiếm khoảng 20,6%, chỉ sau ngoại ngữ và hội họa.

Doanh nghiệp bội thu

Trong khi thị trường nhạc cụ ở châu Âu đang trầm lắng thì ở Trung Quốc, lĩnh vực này lại đang nở rộ. Trung Quốc cũng là một trong những nơi tiêu thụ đàn piano lớn nhất thế giới. Chỉ tính riêng trong năm 2012, Trung Quốc đã tiêu thụ tới 76,9% số lượng đàn piano bán ra trên toàn cầu.

Một chiếc đàn piano dạng đứng của Yamaha bán tại thị trường Trung Quốc hiện có giá khoảng 30.000 Nhân dân tệ (gần 4.250 USD). Đây cũng là nhạc cụ được ưa chuộng nhất của thương hiệu này, chiếm 15% số nhạc cụ của Yamaha tại Trung Quốc. “Khách hàng phổ biến của Yamaha vẫn là các cặp vợ chồng ở độ tuổi trên 30 với thu nhập hàng tháng khoảng hơn 10.000 Nhân dân tệ. Họ thường mua đàn cho các bé có độ tuổi từ 3-5 tuổi”, ông Teruhiko Tsurumi, Tổng giám đốc kinh doanh của Yamaha tại Trung Quốc cho biết.

Ông Teruhiko Tsurumi cho biết thêm, nhiều cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc vẫn lựa chọn chỉ sinh một con dù thời gian qua, Trung Quốc đã nới lỏng hơn chính sách này. “Vì vậy, việc giáo dục con trẻ cũng được các bậc cha mẹ Trung Quốc quan tâm chú trọng hơn”, ông Teruhiko Tsurumi nói.

Doanh số bán hàng của Yamaha tại Trung Quốc đã bứt phá ấn tượng với mức tăng trưởng đạt hai con số trong thập niên qua. Kết thúc năm tài chính vào tháng 3/2019, Yamaha đạt mức doanh thu 44,6 tỷ Yên (tương đương 410 triệu USD) chỉ riêng tại thị trường Trung Quốc. Tại thị trường Nhật Bản, Yamaha đạt mức doanh thu 75,4 tỷ Yên nhưng có đến 1/3 là đến từ các mảng kinh doanh không phải là nhạc cụ.

Theo ông Teruhiko Tsurumi, không chỉ các đô thị lớn, thị trường nhạc cụ tại nhiều đô thị nhỏ ven biển của Trung Quốc cũng đang gia tăng nhanh chóng. Vì vậy, hãng này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị phần tại Trung Quốc bằng việc thay thế một loạt các nhà phân phối bán hàng địa phương bằng các cửa hàng chuyên kinh doanh độc quyền các sản phẩm của Yamaha.

Kế hoạch kinh doanh trung hạn của Yamaha đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 33 tỷ Yên vào cuối tháng 3/2020. Dự kiến, thị trường Trung Quốc sẽ là thị trường số 1 của Yamaha trong tương lai với doanh thu 13 tỷ Yên, nhiều hơn tất cả các thị trường còn lại.

(theo Nikkei Asian Review)