Thông tin được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Brussels liên quan đến một loạt vấn đề như xuất khẩu thép hay việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.
Một quan chức cấp cao giấu tên của EU cho hay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có tính thanh khoản cao và hiện có nhu cầu lớn về đầu tư. Việc đổ vốn vào Quỹ đầu tư chiến lược (EFSI) sẽ giúp Bắc Kinh được hưởng lợi mặc dù không có tiếng nói đối với hoạt động của quỹ này.
Trung Quốc đã đầu tư nhiều tỷ USD vào châu Âu. (Nguồn: Reuters) |
Ý tưởng này đã được thảo luận lần đầu tiên từ một năm trước và nếu trở thành sự thật thì đây sẽ là một thành công đối với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, người đã bị chỉ trích khi đề xuất thành lập EFSI với việc chính phủ các nước thành viên chỉ cần bỏ ra một khoản “tiền mồi”.
Mặc dù đã đầu tư hàng tỷ Euro vào châu Âu, Bắc Kinh vẫn hy vọng rằng việc “tiếp sức” cho một tổ chức quỹ cơ sở hạ tầng do EU kiểm soát sẽ giúp nước này tránh “đi vào vết xe đổ” trong quá khứ, mà vẫn thu về lợi nhuận cao nhằm giúp nền kinh tế tránh phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, quyết định đầu tư này cũng đánh dấu một bước tiến mới trong mối quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và EU, sau khi khối 28 nước thành viên quyết định tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu.
Theo Reuters, các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu số tiền đầu tư sẽ được dùng để hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực công nghệ nhằm phục vụ những doanh nghiệp của nước này đang hoạt động tại châu Âu, ví dụ như Huawei. Tuy nhiên, phía Brussels đã từ chối đề nghị này với lý do EFSI là do EC và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) toàn quyền kiểm soát.