📞

Trung Quốc sẽ khám phá “phần tối” của Mặt trăng

17:06 | 25/05/2015
Trung Quốc đang có tham vọng trở thành nước đầu tiên đến với phần bí ẩn nhất của Mặt Trăng với kế hoạch phóng tàu thăm dò Hằng Nga 4.
Mô hình tàu thăm dò Hằng Nga của Trung Quốc.

Đó là thông tin là ông Ngô Vĩ Nhân, Kỹ sư trưởng chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc tiết lộ.

"Chúng tôi đang thảo luận để chọn vị trí đáp xuống mặt trăng. Chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và đòi hỏi thách thức kỹ thuật”, ông Ngô Vĩ Nhân nói.

Mặt trăng mà chúng ta thường thấy thật ra chỉ là một nửa, một nửa còn lại là vùng tối nằm ở phía bên kia và đối với con người nơi đó vẫn còn bí ẩn. Phần lớn diện tích bề mặt vùng tối là South Pole-Aitken, hố thiên thạch lớn nhất hệ mặt trời với đường kính khoảng 2.500 km.

Phần tối phía xa của Mặt trăng không thực sự tối hoàn toàn. Nó vẫn nhận được một lượng ánh sáng mặt trời và chúng ta có thể quan sát thấy khu vực này từ Trái Đất. Lý do phần tối này không bao giờ phải đối mặt với Trái Đất là do hiện tượng “khóa thủy triều”.

Trong thiên văn học, quỹ đạo quay đồng bộ là hiện tượng các vật thể quay xung quanh vật thể khác với chu kỳ quỹ đạo đúng bằng chu kỳ tự quay quanh trục bản thân nó, với cùng chiều quay. Khi chuyển động, vật thể vệ tinh sẽ luôn hướng một mặt về phía vật thể mà nó quay quanh, còn mặt kia luôn hướng về phía đối diện. Ví dụ điển hình là chuyển động tự quay quanh trục của Mặt Trăng trùng thời gian với chuyển động quay quanh Trái Đất.

Năm 1959, tàu thăm dò Luna 3 của Liên Xô đã lần đầu tiên chụp ảnh vùng tối mặt trăng. Năm 1968, các phi hành gia trong sứ mệnh Apollo 8 của Mỹ là những người đầu tiên mục kích khu vực này. Kể từ đó đến nay, nhiều tàu thăm dò khác đã chụp ảnh vùng tối và gần đây nhất là phi thuyền Lunar Reconnaissance Orbiter của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Tháng 10.2007, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò vũ trụ đầu tiên Hằng Nga-1 ở tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam nước này. Tàu đáp xuống bề mặt mặt trăng vào tháng 3.2009. Tàu Hằng Nga-2 tiếp tục được phóng vào năm 2010 và Hằng Nga-3 là năm 2013.

Tàu Hằng Nga-4 dự kiến sẽ được phóng vào năm 2020, bay quanh mặt trăng trước khi lần đầu tiên tiếp cận một bề mặt phía xa mặt trăng. Tàu thăm dò sẽ trải qua 3 giai đoạn chính, gồm tiếp cận quỹ đạo mặt trăng, hạ cánh và quay trở về.

N.B