📞

Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên làm điều này, lợi thế thu được có thể vượt xa mong đợi

Hồng Hân 18:52 | 30/10/2024
Trung Quốc sẽ xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa từ các quốc gia kém phát triển nhất thế giới bắt đầu từ tháng 12, một động thái dự kiến ​​sẽ giảm chi phí vận chuyển từ một số khu vực của châu Phi và châu Á và giúp Bắc Kinh có nhiều ảnh hưởng hơn trong thương mại toàn cầu.
Việc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa từ các quốc gia kém phát triển nhất thế giới mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi thế. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Các nhà phân tích cho rằng, việc áp dụng mức thuế quan bằng 0 đối với nhóm các quốc gia chủ yếu là các quốc gia nhỏ, chưa phát triển công nghiệp hóa sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế sản xuất chuyên sâu của Trung Quốc, bên cạnh đó còn mang lại cho Bắc Kinh lợi thế ở các thị trường mới nổi khi Mỹ và châu Âu cố gắng ngăn chặn dòng hàng hóa Trung Quốc tràn vào khu vực này.

Tân Hoa xã trích dẫn thông báo của Ủy ban Thuế quan hải quan thuộc Quốc vụ viện, kế hoạch này sẽ áp dụng cho tất cả các quốc gia mà Liên hợp quốc đưa vào danh sách "kém phát triển nhất" đang có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Trong số 43 quốc gia được hưởng lợi, có 33 quốc gia ở châu Phi. Các quốc gia khác là Yemen ở Trung Đông, Kiribati và Quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương và Afghanistan, Bangladesh, Campuchia, Lào, Myanmar, Nepal và Đông Timor - tất cả đều thuộc châu Á.

Cũng theo Ủy ban này, kế hoạch thuế quan sẽ có hiệu lực vào ngày 1/12 và áp dụng cho mọi danh mục nhập khẩu.

Việc xóa bỏ thuế quan sẽ giúp các quốc gia được Trung Quốc hỗ trợ thâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường tỷ dân, tiết kiệm được chi phí vận chuyển hàng gia dụng, điện thoại thông minh và xe điện sang các quốc gia có thiện chí.

“Quyết định gia hạn mức thuế quan bằng 0 của Trung Quốc là một động thái đáng hoan nghênh vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng”, Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết.

Bà Liang Yan, giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette (Mỹ) nhận định, Trung Quốc kỳ vọng việc cải thiện quan hệ thương mại với các quốc gia kém phát triển sẽ có hiệu ứng lan tỏa. Cũng theo chuyên gia này, Bắc Kinh có thể đang tìm cách giành lại sự ủng hộ của các quốc gia này tại các tổ chức quốc tế thông qua thúc đẩy thương mại cởi mở.

Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), một phần tư lượng hàng hóa xuất khẩu từ các nước kém phát triển nhất đã đến Trung Quốc vào năm 2021, nhiều hơn bất kỳ quốc gia hoặc khối nào khác trong năm đó. Dữ liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của 43 quốc gia kém phát triển sang Trung Quốc trong năm 2023 đã vượt qua 60 tỷ USD.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc không ngừng củng cố quan hệ thương mại với các nước đang phát triển, như năm 2022, Bắc Kinh đã xóa bỏ thuế quan đối với 98% các sản phẩm chịu thuế từ 16 quốc gia kém phát triển nhất.

"Điều này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đang phát triển lớn đầu tiên và là nền kinh tế lớn đầu tiên thực hiện bước đi như vậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm cho biết hôm 25/10.

(theo SCMP)