(Ảnh minh họa) |
Theo dự luật mới, các trường tiểu học của Trung Quốc sẽ không được phép giao bài tập về nhà dưới hình thức bài tập viết cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6. Thay vào đó, các trường sẽ phối hợp với phụ huynh để tổ chức cho các em tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như tham quan bảo tàng, học tại thư viện, các cơ sở văn hóa sau giờ học và phát triển khả năng thực hành của học sinh thông qua các công việc thủ công hay đồng áng.. . Ngoài ra, dự thảo còn đề nghị các trường học giảm số lượng các kỳ thi bắt buộc ở các bậc học và riêng từ lớp 1 đến lớp 3, học sinh sẽ không phải làm bài kiểm tra đầu vào.
Bà Xu Mei, phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, mặc dù có những nỗ lực giảm tải, nhưng học tiểu học ở một số nơi vẫn bị buộc phải học quá nặng.Dự thảo ra đời sẽ giúp các trường tiểu học giảm tải áp lực học hành cho học sinh.
Góp ý cho dự luật mới, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc miễn bài tập về nhà cho học sinh tiểu học là không thực tế và khó có thể hoàn thành theo đúng các điều khoản quy định trong dự luật, trừ khi nền giáo dục của Trung Quốc có những bước cải tổ đáng kể.
“Nhiều trường học và các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng về sự suy giảm chất lượng đầu vào nếu chúng ta bỏ bài tập về nhà cũng như các bài kiểm tra lớn vì từ trước đến nay, đây vẫn là những tiêu chí để đánh giá năng lực học sinh. Để giảm tải thì quy trình tuyển sinh, vốn chủ yếu dựa trên các bài kiểm tra phải được điều chỉnh hợp lý ”, ông Wang Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học thuộc Trung tâm nghiên cứu Phát triển Trung Quốc đề xuất.
Trên thực tế, ý tưởng giảm tải cho học sinh tiểu học đã được thảo luận từ nhiều năm nay trước thực trạng học thêm tràn lan tại Trung Quốc. Thậm chí tại nhiều trường mẫu giáo và nhà trẻ, các em đã được dạy làm toán và viết chữ. Ông Li Yan, Hiệu trưởng một trường mẫu giáo ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh cho biết, 60% thời gian của các em tại trường là dành cho việc học toán và tiếng Anh, chỉ có 40% thời gian còn lại là dành cho hoạt động vui chơi.
Cũng có ý kiến cho rằng, gánh nặng từ khối lượng bài tập về nhà khổng lồ và những kỳ kiểm tra liên tục sẽ ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển về thể chất của các em khi phần lớn thời gian của các em chỉ dành cho việc học mà thiếu đi những bài học thể chất hay những hoạt động sinh hoạt ngoại khóa bổ ích. Theo các chuyên gia giáo dục thể chất, từ năm 1995, chỉ số thể lực của học sinh Trung Quốc liên tục suy giảm do những áp lực từ việc học hành, thi cử.
“Áp lực phần lớn là do cha mẹ các em. Các bậc phụ huynh luôn kỳ vọng con em họ có thể phát triển tiềm năng thông qua việc học Toán, tiếng Anh hay các môn năng khiếu từ nhỏ. Tâm lý này đang ngày càng lan rộng và vô hình chung gây áp lực không nhỏ cho các em. Điều cốt yếu là chúng ta phải nâng cao nhận thức xã hội chứ không nên dừng ở biện pháp tức thời là bỏ bài tập về nhà và các bài kiểm tra.”, ông Ren Yang, Phó giám đốc Phòng Giáo dục quân Xicheng, Bắc Kinh kiến nghị.
Theo kết quả một khảo sát năm 2011, ở Trung Quốc, 68% người được hỏi nói rằng, bố mẹ tạo quá nhiều áp lực học hành cho con cái. Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Mỹ, nước này có tỷ lệ phụ huynh muốn gia tăng áp lực học hành đối với con họ cao nhất trong số 21 quốc gia được khảo sát.
Trong khi học sinh vui mừng trước đề xuất mới, nhiều phụ huynh và giáo viên lại tỏ ý không đồng tình. “Nếu con tôi không phải làm bài tập về nhà thì làm sao cháu có thể ôn lại kiến thức đã học ở trường và vượt qua các kỳ thi bậc trung học sắp tới. Ý tưởng mà dự thảo hướng tới rất tích cực nhưng việc bỏ bài tập về nhà rất khó chấp nhận”, một bà mẹ có con đang học tiểu học chia sẻ.
Diễn Tú (Theo China Daily)