Các xe tải xếp hàng dài chờ đổ đầy dung dịch urê, một loại chất lỏng thiết yếu cần thiết cho các phương tiện chạy bằng diesel, tại một trạm xăng ở thành phố công nghiệp phía Đông Nam Ulsan, Hàn Quốc, ngày 9/11. |
Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên và Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết, Lệnh điều phối cung cầu khẩn cấp này có hiệu lực ngay sau khi công bố.
Đây là lần thứ hai nước này phải áp đặt biện pháp khẩn cấp kể từ khi “Luật Bình ổn vật giá” được ban hành năm 1976.
Theo Lệnh điều phối khẩn cấp, các doanh nghiệp nhập khẩu urê và dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel vào trong nước để bán hoặc sản xuất cần khai báo các thông tin liên quan như số lượng nhập, số lượng sử dụng, lượng bán và tồn kho hằng ngày vào trước 12h ngày hôm sau.
Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo dự kiến lượng nhập khẩu trong hai tháng tới đề phòng rủi ro cung cầu trong tương lai.
Bên cạnh việc quản lý nguồn nhập khẩu, chính phủ cũng giới hạn việc cung cấp, bán lẻ trong nội địa. Theo đó, chỉ được phép mua bán dung dịch xử lý khí thải trực tiếp tại trạm xăng dầu, không thực hiện mua bán qua mạng.
Cụ thể, mỗi xe ô tô con được mua tối đa 10 lít/lần; xe chở hàng, xe khách, máy móc xây dựng, máy nông nghiệp được mua tối đa 30 lít/lần và phải bơm trực tiếp vào xe. Các xe mà dung tích chứa đang còn 80% dung dịch không được quyền mua thêm.
Đối với các doanh nghiệp xăng dầu đã ký kết hợp đồng cung cấp với đơn vị thi công xây dựng hoặc công ty vận tải lớn, có thể giao hàng theo địa chỉ.
Cũng theo quy định mới, người mua không được phép bán lại dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel cho bên thứ ba. Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu đầu cơ tích trữ urê và dung dịch xử lý khí thải động cơ diesel, chính phủ có thể ra lệnh chuyển giao số lượng đó cho công ty nhập khẩu hoặc doanh nghiệp bán.
Các hành vi vi phạm Lệnh điều phối cung cầu khẩn cấp sẽ bị phạt tù tới ba năm và xử phạt hành chính tới 100 triệu Won (84.300 USD) căn cứ theo Luật bình ổn vật giá.
Thời hạn áp dụng biện pháp khẩn cấp là từ nay đến hết tháng 12 và có thể gia hạn tùy theo tình hình cung cầu trên thị trường.
Lệnh điều phối cung cầu khẩn cấp được áp dụng trong trường hợp nguồn cung hàng hóa không đủ nhu cầu do khủng hoảng kinh tế hoặc những lý do khác gây tác động nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Lần đầu tiên quốc gia Đông Bắc Á phải áp dụng Lệnh điều phối cung cầu khẩn cấp là năm 2020 khi xảy ra “khủng hoảng cung và cầu khẩu trang” do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Hàn Quốc đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu dung dịch xử lý khi thải động cơ diesel và giá cả tăng đột biến trong những tuần gần đây khi Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu phân bón và các nguyên liệu liên quan từ tháng 10 với lý do khủng hoảng điện do thiếu than đá. Than là nguyên liệu chính để sản xuất dung dịch nước xử lý khi thải động cơ diesel.
Seoul phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Bắc Kinh trong việc cung cấp dung dịch xử lý khí thải với 97,6% lượng hàng nhập khẩu là từ Trung Quốc. Vì thế, khi Trung Quốc siết chặt xuất khẩu mặt hàng trên, Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề.