Tàu Trung Quốc bị phát hiện ở Đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam ngày 22/3. (Nguồn: ABS-CBN NEWS) |
Trong tuần qua, vụ việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung tại Đá Ba Đầu thuộc đảo Sinh Tồn Đông ở Biển Đông đã và đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế.
Hành động này tiếp tục làm gia tăng phức tạp tình hình trên Biển Đông, vi phạm các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có tuyên bố chính thức phản đối hành vi này của Trung Quốc. “Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS năm 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC)", người phát ngôn nói. |
Bên cạnh xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, hành động của Trung Quốc còn vi phạm các quy định của UNCLOS về hàng hải - một vấn đề vẫn còn ít được phân tích cặn kẽ dưới góc độ pháp lý.
Vi phạm của Trung Quốc từ góc độ pháp lý
Tranh chấp ở Biển Đông bao gồm: (i) tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, và (ii) tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối các vùng biển được tạo ra bởi các thực thể đó.
Loại tranh chấp thứ 2 được điều chỉnh bởi Công ước UNCLOS năm 1982, theo đó, quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của quốc gia “chủ nhân” của vùng biển, và quyền của các quốc gia khác khi đi lại, hoạt động hợp pháp trong vùng biển đó.
Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, bao gồm đảo Sinh Tồn Đông, Việt Nam có chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý bao quanh đảo Sinh Tồn Đông. Đá Ba Đầu là một rạn san hô lúc nổi lúc chìm nằm trong khu vực cách đảo Sinh tồn Đông 6-7 hải lý.
| Báo Hong Kong dự đoán 3 điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ gây 'dậy sóng' ở châu Á-Thái Bình Dương Tờ South China Morning Post nhận định, căng thẳng và đối đầu tại 3 điểm nóng: Biển Đông, Biển Hoa Đông và vịnh Bengal sẽ ... |
Theo quy định của luật quốc tế cũng như thực tiễn án lệ các cơ quan tài phán quốc tế, không quốc gia nào được phép chiếm đóng, yêu sách chủ quyền đối với rạn san hô này, và bản thân đá Ba Đầu cũng không có vùng biển riêng. Trái lại, Đá Ba Đầu thuộc về quốc gia có chủ quyền với “đảo nổi” nằm cách nó trong phạm vi 12 hải lý - chính là đảo Sinh Tồn Đông.
Do đó, mọi hoạt động trên biển xảy ra trong khu vực này đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam.
Quyền qua lại không gây hại bị "ngó lơ"
Trong vùng lãnh hải, quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ. Tuy nhiên, chủ quyền đó không hoàn toàn mà đi kèm một số điều kiện nhất định được quy định bởi UNCLOS 1982 và các quy tắc khác của luật pháp quốc tế trù định, trong đó nổi bật nhất là quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài.
Theo quy định của UNCLOS, tàu thuyền của tất cả các quốc gia trên thế giới, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia khác với điều kiện việc đi qua này phải liên tục, nhanh chóng và không gây phương hại đến hoà bình và an ninh của quốc gia ven biển.
Quốc gia ven biển có quyền quy định các điều kiện về kỹ thuật như điều phối giao thông đường biển, bảo vệ môi trường, ngăn ngừa vi phạm pháp luật... để điều tiết việc đi qua không gây hại của tàu bè nước ngoài, nhưng không được cản trở hoặc đình chỉ quyền đi qua không gây hại khi không có lý do chính đáng.
Chế định này tạo nên sự cân bằng trong trật tự trên biển dựa trên luật lệ: một mặt, bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn của các quốc gia ven biển trong vùng lãnh hải; mặt khác, tạo điều kiện cho tàu thuyền các nước khác di chuyển trên biển mà không bị cản trở, ách tắc.
Tin liên quan |
Đại sứ Mỹ Kritenbrink: 'Washington sẽ tiếp tục phản đối Bắc Kinh đe dọa các nước ở Biển Đông' |
Đáng chú ý, Công ước UNCLOS năm 1982 đã dự trù các tình huống cụ thể khi mà việc đi qua của tàu bè nước ngoài được cho là phương hại đến hoà bình, trật tự và an ninh của quốc gia ven biển như: sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực chống lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; diễn tập vũ khí, thu thập thông tin tình báo, gây ô nhiễm môi trường, nghiên cứu đo đạc, đánh bắt hải sản...và “các hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua”.
Như vậy, tàu thuyền nước ngoài khi vận hành trong lãnh hải của Việt Nam phải đi qua một cách nhanh chóng và liên tục, không có hành vi làm phương hại đến trật tự an ninh của quốc gia đó và các hành vi “không trực tiếp liên quan đến việc đi qua”.
Theo khoản 3, Điều 12 Luật Biển Việt Nam năm 2012, “việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy, các tàu cá của Trung Quốc tập kết tại khu vực nói trên với số lượng lớn, không di chuyển trong một thời gian dài mà kết thành “bè” vài chiếc, thậm chí hàng chục chiếc.
Nguồn gốc của các tàu cá này đã được báo chí phương Tây chứng minh là loại “tàu cá dân binh”, thực hiện mục tiêu kép: đánh bắt hải sản và răn đe các nước trong khu vực vào mùa ra biển của bà con ngư dân.
Hai loại hành vi này đều là những hành vi đã được Công ước năm 1982 dự trù là loại hành vi đi qua “có hại”, vi phạm các quy định của UNCLOS cũng như của pháp luật Việt Nam về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải.
Ngay cả khi các tàu này không đánh bắt cá hay “răn đe” các tàu ngư dân khác, việc tổ chức một lượng lớn các tàu cá neo đậu, tập kết đã đủ cấu thành loại hành vi “không trực tiếp liên quan đến việc đi qua”.
Công ước UNCLOS năm 1982 không cấm tàu thuyền nước ngoài dừng và thả neo trong vùng lãnh hải, nhưng chỉ trong trường hợp gặp phải những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng hay mắc nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, tàu thuyền hay phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc nạn.
Hơn nữa, hình ảnh thu thập cho thấy, các tàu cá Trung Quốc đều là các tàu lớn, công suất mạnh với hệ thống cảnh báo sớm, nên khả năng mất an toàn cần trú bão ít xảy ra và không thể với số lượng lớn.
Rõ ràng, việc tập trung các tàu cá nói trên không thuộc trường hợp sự cố hay cứu nạn, vi phạm các quy định của UNCLOS về qua lại không gây hại trong lãnh hải của quốc gia khác.
| Mỹ, Trung đồng loạt điều tàu sân bay tới Biển Đông và Biển Hoa Đông: Cạnh tranh gay gắt, nguy cơ xung đột gia tăng Trung Quốc và Mỹ đã điều các tàu sân bay tới Biển Đông và Biển Hoa Đông, đánh dấu cuộc cạnh tranh gay gắt giữa ... |
Nguy cơ xói mòn lòng tin
Trong nhiều tuyên bố, công hàm của Trung Quốc gửi đến Liên hợp quốc có thể bắt gặp luận điệu Trung Quốc là quốc gia tôn trọng và ủng hộ tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông, cho thấy Trung Quốc tôn trọng luật pháp và vì lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế.
Luận điệu này đã bị nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực lên tiếng bác bỏ, trong đó có Việt Nam.
Tháng 1/2021, Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi công hàm đến Liên hợp quốc đặc biệt phản bác luận điệu này của Trung Quốc. Công hàm của Nhật Bản đã dẫn chứng 2 sự vụ thực tế đã xảy ra trên Biển Hoa Đông để chứng minh Bắc Kinh cố tình vi phạm các quy định về hàng hải, gây mất tự do và an toàn hàng hải, hàng không.
Sự vụ tại Đá Ba Đầu lần này có thể xem là một ví dụ nữa cho thấy, Trung Quốc thiếu tôn trọng các quy định, quy tắc về hàng hải cũng như đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm phức tạp thêm tình hình.
Đáng quan ngại hơn, việc “nói một đằng, làm một nẻo” này có thể làm suy giảm lòng tin, gây ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC), do đó, các nước ASEAN có thể cảm thấy mất lòng tin vào Trung Quốc, đi ngược lại nỗ lực chung của các nhà đàm phán trong khu vực.