Cảnh sát Hong Kong tập trung tại khu vực biểu tình phản đối luật an ninh Hong Kong ngày 28/6. (Nguồn: AP) |
Thông cáo cho hay, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề lập pháp của Ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc Trầm Xuân Diệu cùng Giám đốc Các vấn đề Hong Kong và Ma Cau Trương Hiểu Minh sẽ tham gia họp báo.
Trong khi đó, ngày 30/6, Chính phủ Nhật Bản đã tỏ ý "lấy làm tiếc" về việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia đối với đặc khu hành chính Hong Kong. Đây là cách thể hiện sự phản đối quyết liệt thứ hai của Tokyo đối với các hành động của các nước khác chỉ sau "lên án".
Hãng tin Kyodo dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói, việc duy trì cơ chế mở và tự do đối với Hong Kong là quan trọng để đặc khu này có thể phát triển "một cách dân chủ và ổn định".
Theo nhật báo Yomiuri, lập trường trên của Tokyo quyết liệt hơn so với lập trường "quan ngại sâu sắc" mà Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đưa ra trong tuyên bố chung hôm 17/6.
Tokyo thường sử dụng cụm từ "lấy làm tiếc" về các hành động của quốc gia khác khi đề cập tới các vấn đề có liên quan trực tiếp tới lợi ích quốc gia của nước này như việc các tàu của chính quyền Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku. Nhật báo Yomiuri dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, việc Nhật Bản sử dụng lời lẽ như vậy đối với chính sách của các quốc gia khác là rất hiếm.
Theo tờ Yomiuri, trước đó, hôm 22/5, khi Quốc hội Trung Quốc bắt đầu thảo luận về việc ban hành dự luật trên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã khẳng định Nhật Bản đang "theo dõi vấn đề này với sự quan tâm lớn".
Ba ngày sau đó, trong một cuộc họp báo, người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản tiếp tục bày tỏ "quan ngại mạnh mẽ" về vấn đề này.
Khi Quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết về việc xây dựng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong hôm 28/5, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại nước này lên để nêu quan điểm rằng "Nhật Bản quan ngại nghiêm trọng đối với quyết định này".
Tờ Yomiuri dẫn lời một quan chức cao cấp của Nhật Bản cho biết, nếu Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, mức độ tự trị cao của Hong Hong theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" sẽ bị suy yếu và "đây là một vấn đề quan trọng mà Nhật Bản có liên quan". Hiện nay, có khoảng 1.400 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Hong Kong.