📞

Trung Quốc thu "trái ngọt" từ cuộc chiến chống ô nhiễm

14:35 | 14/01/2018
Những chỉ số về chất lượng không khí khả quan vừa được công bố cho thấy, cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu gặt hái được thành công.

Suốt 5 năm qua, từ trên căn hộ tầng 13 của một chung cư ở thủ đô Bắc Kinh, nhiếp ảnh gia Zou Yi (50 tuổi) vẫn cần mẫn chụp lại những bức ảnh đường chân trời đầy khói bụi rồi đăng lên một số trang web về môi trường nhằm cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, mùa Đông năm nay đã có sự đổi thay rõ rệt. Chỉ trừ vài ngày trời u ám, ông Zou Yi đã bắt đầu bắt gặp những ngày trời trong và xanh ngắt, báo hiệu tình trạng ô nhiễm không khí tại đây đã giảm đáng kể. “Cảm giác như cuộc sống ở thành phố này đang được hồi sinh vậy”, ông Zou Yi hào hứng chia sẻ.

Không riêng gì ông Zou Yi, rất nhiều người dân của thành phố cũng cảm nhận được sự khác biệt về chất lượng không khí. Số lượng người đổ ra đường, tham gia vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn, bất chấp không khí giá lạnh. Ngay cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến bầu trời trong xanh của Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông tới Trung Quốc vừa qua.

Bầu trời thủ đô Bắc Kinh trong xanh trong những ngày Đông vừa qua. (Nguồn: AFP)

Thành công bước đầu

Báo cáo của tổ chức Hòa bình Xanh công bố ngày 11/1 cho thấy, ở thời điểm quý IV/2017, chỉ số PM10 (hạt bụi lơ lửng đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet, có thể chui vào phổi) và PM2.5 (hạt bụi lơ lửng đường kính từ 2,5 micromet trở xuống, độc tính mạnh hơn PM10) tại thủ đô Bắc Kinh đã giảm đến 53,8% so với cùng kỳ năm trước.

Những năm trước đây, trung bình người dân Bắc Kinh hít phải 58 microgram hạt bụi siêu vi PM2.5 trên một m3 không khí, hơn gấp đôi mức 25 microgram/m3 trong 24 giờ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Loại hạt này đặc biệt nguy hiểm khi có thể thâm nhập sâu vào phổi và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Theo Cục Bảo vệ Môi trường thành phố, năm ngoái, thủ đô Bắc Kinh đã lần đầu tiên đạt được chất lượng không khí tốt nhất sau nhiều năm chìm trong ô nhiễm với số ngày “không khí đạt chất lượng tốt” tăng lên đáng kể. Có được thành quả như vậy là do một loạt các biện pháp kiểm soát ô nhiễm được các nhà chức trách Trung Quốc quyết liệt triển khai từ năm 2013.

Theo đó, những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà máy sản xuất khí than gây ô nhiễm nghiêm trọng di dời khỏi Bắc Kinh và các khu vực lân cận nhằm tạo ra một “vành đai không khói bụi”. Hơn ba triệu gia đình được vận động chuyển từ sưởi ấm bằng than sang dùng khí đốt hoặc điện.

Các doanh nghiệp nhỏ hơn tại một số khu vực khác cũng bị điều tra nếu bị phát hiện thực hiện các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm. Ngoài ra, chính quyền cũng hướng tới đóng cửa những nhà máy thép, hầm mỏ khai thác than đá và nhà máy sản xuất nhôm công nghệ lạc hậu.

Một chuyên gia của Công ty tư vấn Sanford C. Bernstein & Co nhận định: “Việc chuyển từ dùng than đá sang khí đốt đã giúp giảm mạnh ô nhiễm. Dù vẫn còn nhiều vấn đề trong việc triển khai, những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc đang mang lại kết quả”.

Cần chiến lược dài hạn

Khi Trung Quốc đang tiến gần đến điểm mốc hoàn thành kế hoạch 5 năm chống ô nhiễm, các chuyên gia và các nhà hoạt động môi trường lại đang kêu gọi Chính phủ cần phải có một chiến lược mới để thu được kết quả bền vững, lâu dài.

Người dân Bắc Kinh từng phải chịu bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng trong những năm trước đây. (Nguồn: SCMP)

Xu Yuan, một chuyên gia về chính sách ô nhiễm không khí tại Đại học Trung văn Hong Kong cho hay, chất lượng không khí hiện tại phản ánh “bước ngoặt quyết định” trong việc thực thi các chính sách tiếp theo.  

“Chúng tôi hy vọng chính quyền sẽ không mang tâm lý quá hài lòng với kết quả vừa đạt được”, ông Xu Yuan nói và cho biết thêm, tình trạng ô nhiễm có thể trở lại dù bức tranh chống ô nhiễm của Trung Quốc trong dài hạn là tích cực và chất lượng không khí đã có chuyển biến đáng kể.

Còn theo Huang Wei, nhà vận động về vấn đề khí hậu và năng lượng khu vực Đông Á của tổ chức Hòa bình Xanh, nếu như các quy định về môi trường trước đây chủ yếu áp dụng đối với các công ty lớn, thuộc sở hữu nhà nước thì giờ đây lại chủ yếu lại dồn về phía các công ty và tập đoàn địa phương. “Các công ty ở địa phương thường sẽ khó quản lý hơn rất nhiều”, bà Huang Wei lo ngại.

Trong khi đó, nhà hoạt động vì môi trường Ma Jun lại cho rằng, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân có thái độ đối với các doanh nghiệp vi phạm luật môi trường cũng là một cách làm hiệu quả nhằm giảm ô nhiễm. Ông Ma thậm chí đã phát triển một trang web tập hợp các vi phạm của các công ty vi phạm môi trường trên Internet để người dân có thể tiện tra cứu, tìm kiếm.

(theo AFP)