Theo hãng tin Pháp AFP, trong một tuyên bố ngày 28/12, người phát ngôn của Cơ quan Phụ trách vấn đề toàn cầu của Canada - ông Richard Walker xác nhận "công dân Canada, người đã bị bắt giữ ở Trung Quốc tháng 12, đã được trả tự do và hiện tại đã trở về Canada".
Tuy nhiên, ông không thông báo thêm các thông tin chi tiết.
Sarah McIver (phải) là công dân Canada đầu tiên được Trung Quốc thả tự do. (Nguồn: Internet) |
Hãng truyền thông CBC của Canada xác nhận, công dân được phía Trung Quốc trả tự do là cô Sarah McIver - một giáo viên người Canada. Hồi đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cô McIver đang chịu "phạt hành chính" vì lao động bất hợp pháp.
Cô McIver là công dân Canada thứ 3 bị Trung Quốc bắt giữ kể từ sau vụ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), bị bắt tại Canada hôm 1/12 vừa qua.
Hai công dân Canada bị bắt giữ trước đó (ngày 10/12) tại Trung Quốc là ông Michael Kovrig, một cựu nhân viên ngoại giao và hiện là chuyên gia phân tích cho một tổ chức phi chính phủ có tên Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG); và doanh nhân Michael Spavor, với cáo buộc "tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc".
Phía Canada đã được tiếp cận lãnh sự đối với hai công dân này, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh trao trả tự do cho những người này. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, trong yêu cầu trao trả mà Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đưa ra hồi tuần trước không đề cập tới trường hợp của cô McIver.
Các vụ bắt giữ xảy ra sau khi chính quyền Trung Quốc cảnh báo Canada sẽ phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng” khi tiến hành bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Canada đã nêu rõ vụ bắt giữ này không có động cơ chính trị và khẳng định tính độc lập của cơ quan tư pháp nước này.
Tại phiên tòa diễn ra ở thành phố Vancouver ngày 7/12, CFO của tập đoàn Huawei bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Sau đó, tòa án tỉnh British Columbia của Canada đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác. Theo các điều khoản của hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, Mỹ có 60 ngày kể từ ngày bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Vụ việc liên quan đến CFO này được giới quan sát dự báo có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.