📞

Trung Quốc và “ngoại giao vệ tinh”

08:43 | 03/11/2009
Cuối tháng 9, Trung Quốc thông báo sẽ chế tạo và phóng một vệ tinh viễn thông cho Bolivia trong ba năm tới. Ngay sau đó, Trung Quốc lại thông báo kế hoạch tương tự với Lào tuy chưa có thời gian biểu cụ thể. Những thỏa thuận với Lào và Bolivia không phải là những văn bản đầu tiên mà Trung Quốc ký với các nước đang phát triển.
Vệ tinh của Trung Quốc(ảnh minh họa)

Với việc nỗ lực phát triển công nghệ không gian trong nửa thế kỷ qua, Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng mạnh mẽ trong việc cung cấp vệ tinh và các dịch vụ phóng vệ tinh. Trong hai năm 2007 và 2008, nước này đã ký hợp đồng lắp đặt vệ tinh lần lượt với Nigeria và Venezuela. Danh sách các nước đối tác của chính sách “ngoại giao vệ tinh” này hứa hẹn sẽ ngày càng dài hơn bởi đây là cách để Bắc Kinh vừa có thể hưởng lợi từ sự hợp tác, vừa có thể củng cố quan hệ và tăng cường ảnh hưởng.

 

David Vaccaro, nhà phân tích cấp cao của Tập đoàn Futron ở Maryland (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc đang theo đuổi các dự án vệ tinh tại Đông Nam Á và các khu vực khác như một công cụ thúc đẩy hợp tác với các nước. Theo đuổi những dự án vệ tinh ở các nước đang phát triển sẽ giúp Trung Quốc có cơ hội hoàn thiện những sản phẩm vệ tinh của mình, thúc đẩy nỗ lực kết hợp trong công nghệ cao, gặt hái được kinh nghiệm thực tiễn và cải thiện năng lực công nghệ toàn diện.

 

Trung Quốc đã chứng tỏ mình rất “hào phóng” trong lĩnh vực hợp tác vệ tinh. Vài tuần trước, khi Trung Quốc thông báo kế hoạch giúp Pakistan chế tạo vệ tinh viễn thông mới với chi phí dự kiến là 212 triệu USD, thỏa thuận còn đi kèm với khoản vay 200 triệu USD từ Bắc Kinh cho quốc gia Nam Á này như một phần trong giao dịch. Tương tự, năm 2006, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng cung cấp cho Nigieria khoản vay 200 triệu USD để chế tạo vệ tinh NIGCOMSAT-1. Còn vệ tinh Trung Quốc mới chế tạo cho Venezuela mang tên Venesat-1 (được phóng cuối năm 2008) cũng có chi phí hơn 200 triệu USD. Nhưng đây chỉ là giá thành cho riêng vệ tinh, chưa bao gồm chi phí cho tên lửa đẩy, bệ phóng và các thiết bị điều khiển trên mặt đất mà có thể dễ dàng làm tăng tổng chi phí thêm 100 triệu USD hoặc nhiều hơn. Trung Quốc cũng có xu hướng “bao” toàn bộ phụ phí - từ phí tài chính, gói phần cứng cho việc phóng vệ tinh cũng như các cơ sở, dịch vụ hỗ trợ hoạt động của vệ tinh và thậm chí cả việc đào tạo nâng cao cho đội ngũ nhân viên ở địa phương nước đối tác.

 

Trước đây, Trung Quốc thường chỉ đưa ra thông báo về những dự án vệ tinh sau khi hoàn tất đàm phán kín với các chính phủ nước ngoài nhằm tránh sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực phát triển không gian. Tuy nhiên gần đây, Trung Quốc dường như có xu hướng thể hiện rõ ràng hơn tham vọng thương mại trong lĩnh vực không gian. Lĩnh vực chế tạo phát triển vệ tinh đang tăng trưởng hàng năm với tốc độ từ 15%-40%, trong khi đó các nhà cung cấp viễn thông hữu tuyến và vô tuyến lại chỉ có mức tăng trưởng từ âm 5% đến 15%. Hầu hết các vệ tinh viễn thông trên thế giới lại đang hoạt động gần mức tối đa dung lượng do nhu cầu sử dụng hiện đang tăng mạnh. Bất cứ công ty hay chính phủ nào phóng và đưa vào hoạt động một vệ tinh đều sẽ có thể nhanh chóng tìm được khách hàng cho phần lớn dung lượng băng thông rộng.

 

Tiến sĩ Laurence Nardon, phụ trách Chương trình Chính sách Không gian tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ở Paris, nhận định: “Với những nỗ lực của mình trong việc phát triển vệ tinh cũng như các thiết bị phóng vệ tinh, Trung Quốc hy vọng sẽ tăng thị phần của mình trong thị trường vệ tinh viễn thông đang ngày ăn khách, với đối tượng khách hàng chủ yếu là các nước đang phát triển.

 

Lâm An (Theo Asia Times)