Euronews đánh giá, chuyến đi giàu tính biểu tượng diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Nga đang thắng thế trong cuộc xung đột Ukraine và căng thẳng thương mại leo thang giữa Bắc Kinh và Brussels.
Một lý do cho chuyến thăm còn là quyết định của Italy về việc rút khỏi Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. Quyết định của Rome làm tăng tầm quan trọng của Hungary và Serbia, nằm ở Trung và Đông Âu, nếu Trung Quốc muốn tiếp cận Liên minh châu Âu (EU) bằng đường bộ mà không bị cản trở.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trước cuộc gặp song phương bên lề Diễn đàn Vành đai và con đường lần thứ hai tại Bắc Kinh, ngày 25/4/2019. (Nguồn: Reuters) |
Trước đó, tại cuộc họp báo hôm 25/4, Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Gergely Gulyas cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm quốc gia Trung Âu này từ ngày 8-10/5.
Theo ông Gergely Gulyas, Budapest có lợi khi có mối quan hệ kinh tế tốt đẹp với càng nhiều quốc gia càng tốt và Bắc Kinh là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, "mạnh hơn EU".
Chuyến đi của ông Tập Cận Bình tới Paris là một phần trong chương trình nghị sự thường niên của hai nước. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa sẽ thăm Bắc Kinh hàng năm khi mới đắc cử lần đầu tiên và ông trông đợi sự đáp lại tương tự từ người đứng đầu nhà nước Trung Quốc.
Hai cường quốc thế giới muốn đạt được các thỏa thuận nhằm giảm bớt thặng dư thương mại của Trung Quốc, vấn đề vẫn còn tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ và kỹ thuật cũng như các bước đi trong chính sách khí hậu.
Cả EU và Pháp đều coi điều quan trọng là Trung Quốc không can thiệp từ phía Nga trong cuộc xung đột với Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 23/4 bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Bắc Kinh hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Moscow trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.