Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) hội kiến Tổng thống Serbia Vucic vào ngày 10/10 tại thủ đô Belgradesau. (Nguồn: TASS) |
Phát biểu họp báo tại thủ đô Belgradesau khi tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Tổng thống Vucic nêu rõ: "Chúng tôi đặc biệt biết ơn Nga vì những hỗ trợ trong việc duy trì sự ổn định và an ninh năng lượng của Serbia".
Vốn dựa vào khí đốt tự nhiên, năm 2018, Serbia đã nhập khẩu 2,2 tỷ m3 khí đốt từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.
Về an ninh năng lượng tại châu Âu, Tổng thống Vucic dự báo: "Cuộc khủng hoảng này sẽ không tự kết thúc trong vòng 6 tháng tới, thậm chí có thể lâu hơn. Có khả năng mất tới 2 năm để giải quyết khủng hoảng".
Nhà lãnh đạo Serbia cho rằng, tình trạng thiếu khí đốt xuất phát từ việc châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào các nguồn năng lượng tái tạo và sự miễn cưỡng có động cơ chính trị của khối trong việc đạt được các thỏa thuận cung cấp dài hạn với Nga.
Ông nói: "Họ đã không ký thỏa thuận dài hạn. Dĩ nhiên, bạn có thể ký thỏa thuận dài hạn với ai, ngoại trừ Nga? Và tại sao họ không làm điều này? Vì lý do chính trị chứ không phải kinh tế".
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng bởi nhu cầu tăng trong khi dự trữ giảm. Thêm vào đó, các nguồn cung khí đốt từ Nga, Na Uy và Algeria cung cấp cho châu Âu vẫn giữ nguyên.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 tại các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 3% - mức cao nhất trong vòng 10 năm qua, kèm theo lạm phát tăng.
Tình trạng thiếu khí đốt đã khiến 10 công ty cung cấp năng lượng ở Anh phá sản kể từ đầu tháng 8. Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng khiến các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng lao đao.
Trong khi đó, một số quốc gia cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí trong chính sách đối ngoại, thậm chí cho rằng, Moscow là một trong những nhân tố gây ra khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Ngày 8/10, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố, Moscow sẵn sàng hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và Tập đoàn khí đốt của Nga Gazprom "đang tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu theo các hợp đồng dài hạn, thậm chí còn hơn thế nữa”.
Quan chức ngoại giao Nga cũng cho rằng, Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những căng thẳng hiện nay giữa Nga và châu Âu về nguồn cung năng lượng bởi EC kéo dài các yêu cầu pháp lý đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 1, khiến đường ống dẫn khí đốt này chỉ hoạt động ở mức 50% công suất tối đa.
Theo ông Lavrov, điều tương tự cũng có thể xảy ra với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.