📞

Trường phái đối ngoại mang đậm bản sắc 'cây tre Việt Nam'

Tiến sỹ Ruvislei González Saez (*) 14:00 | 22/06/2023
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đường lối thông qua tại các Đại hội Đảng toàn quốc XI, XII và XIII, trong giai đoạn từ 2011-2023, Việt Nam đã điều chỉnh chính sách đối ngoại năng động hơn, hiện đại và chủ động hơn trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz thăm hữu nghị chính thức Việt Nam ngày 29/9/2022. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam phát triển quan hệ trên cơ sở lập trường cân bằng với các nước lớn nhằm hướng tới thúc đẩy môi trường hòa bình để Việt Nam có thể phát huy toàn bộ nguồn lực phục vụ phát triển, triển khai nền ngoại giao văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

Định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về triển khai nền ngoại giao là “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo, giập tắt ngọn lửa chiến tranh mãi mãi và mở ra nền hòa bình vĩnh cửu (…).

Cần kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, nhạy bén, xử lý hài hòa các mối quan hệ đối ngoại, bao gồm cả các vấn đề lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Theo đó, trong công tác ngoại giao, chúng ta cần linh hoạt về chiến thuật tùy vào tình hình cụ thể”.

Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa đặc biệt với việc thông qua Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045, với mục tiêu năm 2025 đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và nền công nghiệp hiện đại, năm 2030 thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao với nền công nghiệp hiện đại, năm 2045 trở thành quốc gia phát triển theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ I.

Việt Nam có mối quan hệ lịch sử với nhiều quốc gia, trong đó có Cuba. Mối quan hệ truyền thống, đặc biệt Việt Nam-Cuba đã trở thành biểu tượng và tấm gương trong quan hệ quốc tế, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, tình đoàn kết, hợp tác, trong sáng và tình đồng chí trên nhiều thời điểm và lĩnh vực đa dạng.

Mối quan hệ này được tôi luyện ngay từ đầu thập kỷ 1960, khi Cuba là nước đầu tiên khu vực Mỹ Latinh-Caribe thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đồng thời, mối quan hệ này liên tục được củng cố và tăng cường, thể hiện năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với Miền Nam Việt Nam, 50 năm ngày Lãnh tụ Fidel trở thành người đứng đầu Chính phủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất tới thăm vùng mới giải phóng tại Miền Nam Việt Nam.

Trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, Cuba luôn có vị trí rất quan trọng thể hiện trong các hành xử của Việt Nam trên phương diện song phương và đa phương. Hai quốc gia chia sẻ nhiều mục tiêu chung, thậm chí trong hợp tác với nhau tại các diễn đàn toàn cầu.

Với vai trò của các nhà lãnh đạo hai nước và ý chí chính trị cao, quan hệ song phương được tích cực thúc đẩy, ngoại giao nhân dân được quan tâm thường xuyên, qua đó truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ hai nước làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị này thông qua các tổ chức hữu nghịsẵn có.

Nền ngoại giao hòa bình và đúng đắn của Việt Nam là sự kế tục di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính sách đối ngoại của Việt Nam đã và đang nổi lên với vai trò lãnh đạo vào các thời điểm quan trọng gần đây, như đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN giữa đại dịch Covid-19 cũng như trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều đó đã và đang gia tăng với vai trò, sự tham gia lớn hơn của Việt Nam trên trường quốc tế, bao gồm cả sự ủng hộ đối với các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Việt Nam đã tạo ra trường phái đối ngoại rất riêng trong thời đại Hồ Chí Minh, đậm đà bản sắc “cây tre Việt Nam” với “rễ chắc, thân khỏe và cành dẻo dai”, mang theo tâm hồn, tính cách và ý chí của nhân dân Việt Nam”.


(*) Trưởng Ban Nghiên cứu châu Á-châu Đại Dương, Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế, Bộ Ngoại giao Cuba; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam.