Lãnh đạo Công đảng đối lập Anthony Albanese sẽ là nhà lãnh đạo mới của Australia. (Nguồn: Reuters) |
Vừa qua, tờ Sydney Morning Herald đưa tin, phát biểu tại buổi lễ chuyển giao vị trí đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp cho người kế nhiệm Catherine Colonna, Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Jean-Yves Le Drian đã bày tỏ quan điểm cá nhân về cuộc bầu cử liên bang Australia.
Sau những bất hòa giữa Pháp và Australia liên quan đến vụ việc chấm dứt hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD gây tranh cãi, ông Le Drian kỳ vọng, với một chính phủ mới do Công đảng của Australia (ALP) lãnh đạo, Pháp và Australia sẽ có thể tiếp tục đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng trong tương lai.
Trong khi đó, tờ The Weekend Australian dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Quách Xuân Mai tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng, nếu Công đảng lên nắm quyền tại Australia, ít nhất là về mặt ngoại giao nhân dân và giao lưu xã hội, đây sẽ là dấu hiệu tích cực mang lại một số khả năng phục hồi trong mối quan hệ đang rất căng thẳng giữa hai nước.
Tuy nhiên, bà Quách thừa nhận khả năng cải thiện quan hệ giữa chính phủ do ALP lãnh đạo và Bắc Kinh sẽ là rất “khiêm tốn”.
Trước đó, tại các tuyên bố truyền thông được đưa ra trong cuộc vận động tranh cử, nhà lãnh đạo ALP Anthony Albanese khẳng định "mối quan hệ của Australia với Bắc Kinh thay đổi vì Trung Quốc đã thay đổi". Điều này báo hiệu một cách tiếp cận thể hiện lập trường cứng rắn chung của các đảng phái về mối quan hệ của Canberra với Bắc Kinh.
Ngày 22/5, ông Anthony Albanese, người sẽ là Thủ tướng mới của Australia cho biết, ông dự kiến có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Quad) tại Tokyo.
Theo kế hoạch, ngày 24/5, ông Albanese sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Australia, trong bối cảnh nhóm này gia tăng hợp tác đối phó với ảnh hưởng kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.