Đối thoại Mỹ-Trung Quốc là cuộc hội đàm song phương trực tiếp quan trọng đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức tháng 1 vừa qua. (Nguồn: AP, Reuters) |
Trang mạng Thepaper dẫn lời giới chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc cho rằng quan hệ song phương Mỹ-Trungđang ở ngã ba đường và cuộc đối thoại được tổ chức vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Cuộc đối thoại cấp cao Mỹ-Trung diễn ra trong 2 ngày, từ ngày 18/3, tại thành phố Anchorage, Alaska (Mỹ). Tham dự cuộc gặp về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Theo các chuyên gia, thông thường đối thoại 2+2 có sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của hai nước. Cuộc đối thoại lần này chủ yếu diễn ra giữa giới chức ngoại giao và không bao gồm vấn đề quân sự, song sự tham gia của các quan chức ngoại giao chủ chốt của hai nước cho thấy hai bên rất coi trọng cuộc đối thoại lần này.
Tờ Thời báo hoàn cầu dẫn ý kiến của một số chuyên gia nhận định rằng, trước thềm đối thoại, Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức cấp cao khác của Mỹ đưa ra một số tín hiệu cứng rắn do tác động từ một số chính trị gia có quan điểm cực đoan đối với Trung Quốc, song chính quyền Tổng thống Biden chắc chắn sẽ quyết định hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề.
Theo giới chuyên gia Trung Quốc, thông qua thúc đẩy tiếp xúc, chính quyền Tổng thống Biden có thể hoàn tất một chiến lược thiết thực hơn với Trung Quốc. Các nhà phân tích nhấn mạnh việc đưa ra chính sách thông qua đối thoại và trao đổi luôn tốt hơn việc cắt đứt trao đổi và khiến căng thẳng leo thang.
Cuộc đối thoại kết thúc ngày 19/3 không đưa ra tuyên bố mang tính đột phá nào. Phát biểu sau hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng Mỹ và Trung Quốc có những lợi ích đan xen trong các vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan cho biết hai bên đã có những cuộc thảo luận trực tiếp và rõ ràng về hàng loạt vấn đề.
Về phía Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì cho biết cuộc đối thoại đã diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng và hữu ích, mặc dù vẫn còn một số khác biệt quan trọng giữa hai bên. Theo ông, hai bên cần xử lý quan hệ trên tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, để đưa quan hệ song phương phát triển theo hướng lành mạnh và ổn định.