TS. Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm, muốn cán bộ, công chức sống được bằng lương thì Nhà nước cần chuẩn bị nguồn lực cho cải cách tiền lương. (Nguồn: Quốc hội) |
Đó là quan điểm của TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội) với báo Thế giới & Việt Nam xung quanh câu chuyện cải cách chính sách tiền lương...
Ông nghĩ gì về câu hỏi "Bao giờ chúng ta sống được bằng lương?" và mức lương hiện nay của đội ngũ cán bộ, công chức thế nào?
Tiền lương của cán bộ, công chức (CBCC) hiện nay đang được xác định trên mức lương cơ sở là 1.490.0000 đồng (Từ ngày 01/01/2019), tính theo phương pháp Lương = Hệ số lương x mức lương cơ sở, đồng thời được cộng thêm phụ cấp theo quy định của Nhà nước đối với các chức danh lãnh đạo và ngành nghề chuyên môn. Ngoài việc dùng để tính lương CBCC thì mức lương cơ sở còn dùng để tính các khoản sinh hoạt phí, hoạt động phí, xác định khoản tiền đóng BHXH bắt buộc tối đa.
Hiện nay, với ngạch công chức, mức lương cao nhất là của chuyên gia cao cấp với hệ số 10,0 và mức lương thấp nhất là nhân viên bảo vệ kho dự trữ với hệ số là 1,35. Tương ứng với mức lương công chức thấp nhất từ 2,0115 triệu đồng và cao nhất là 14,9 triệu đồng. Lương của viên chức cũng được căn cứ vào hệ số lương và mức lương cơ sở với công thức tính như lương của công chức. Theo đó, mức lương viên chức từ 2,2 triệu đồng đến 11,9 triệu đồng.
Như vậy, bất cập không chỉ trong thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, mà còn ở các loại phụ cấp theo lương, vì có đến 18 loại chưa hợp lý, vì lương chính lại thấp hơn hoặc bằng phụ cấp không phân định rõ bản chất của tiền lương. Đáng nói là tiền lương công chức hiện nay mới chỉ đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu, không đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy, không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ-một loại lao động đặc biệt.
Theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Trung ương, việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức... thực hiện vào tháng 7/2021, nhưng dịch kéo dài, chủ trương này liên tục phải lùi.
Sau ba lần lỡ hẹn, hiện mức lương thấp nhất của công chức đại học chỉ gần 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, lương đủ sống của lao động ở TP. Hồ Chí Minh năm 2020 phải đạt ít nhất 7,5 triệu đồng mỗi tháng, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động.
Do đó, muốn cho CBCC sống được bằng lương thì Nhà nước cần phải chuẩn bị nguồn lực cho cải cách tiền lương theo quan điểm tiền lương là biểu hiện hình thái của giá trị, giá cả sức lao động trên thị trường, dựa trên nguyên tắc phân phối theo lao động.
Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển, tuy nhiên chính sách tiền lương hiện nay chưa thực sự tạo động lực cho công chức, viên chức làm việc, cống hiến. Ông nghĩ sao?
Lương quá thấp khiến cán bộ, công chức đã phải làm nhiều việc để có thêm thu nhập. Nhiều khi công chức đã sử dụng danh tiếng của cơ quan, vị trí, thời gian công để làm thêm bên ngoài, kiếm thêm thu nhập, tìm cách để xoay xở cuộc sống, mà chúng ta hay nói là “chân ngoài dài hơn chân trong”.
Ở một số nước, điều này là cấm kỵ nhưng nước ta lại bình thường vì lương cứng cán bộ, công chức khá thấp. Tôi đã từng nêu, lương thấp không đủ sống dẫn đến hệ lụy là CBCC thiếu động lực làm việc, cống hiến không hết mình vì tiền lương không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà lực lượng này đóng góp cho cơ quan, đơn vị.
Hơn nữa, tiền lương thấp không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn, chưa nói đến tái sản xuất mở rộng, chưa bù đắp được quá trình đào tạo của CBCC để họ toàn tâm, toàn ý vào công việc. Điều đó tác động đến hiệu quả công tác và năng suất lao động.
Nếu cải cách tiền lương để lương đủ sống thì CBCC phải làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả. (Nguồn: NLĐ) |
Theo ông, cần trả lương cho cán bộ, công chức thế nào cho phù hợp với bối cảnh hiện nay thay vì “cào bằng”?
Cải cách chính sách tiền lương phải bảo đảm tiền lương đủ sống cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động.
Thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất, chất lượng lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Việc tăng lương, cải thiện thu nhập, để cán bộ, công chức sống được bằng lương, họ sẽ làm việc theo đúng giá trị tiền lương mà họ được trả, góp phần vào công cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay như thế nào?
Đúng vậy, nếu cải cách tiền lương để lương đủ sống thì CBCC phải làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả. Tiền lương mới của CBCC phải góp phần tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực.
Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Phải chăng đã đến lúc phải cải cách chính sách tiền lương để tạo ra đội ngũ công chức, viên chức có năng lực, có chuyên môn, có bản lĩnh? Ông có khuyến nghị gì?
Theo tôi, đã đến lúc phải cải cách chính sách tiền lương. Xin khuyến nghị: trước tiên, phải thực hiện tốt chủ trương giảm biên chế. Bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách nhà nước không gánh nổi để cải cách chính sách tiền lương.
Bên cạnh đó, phải tạo đủ nguồn lực tài chính để thực hiện, coi cải cách tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển.
Ngoài ra, khi cải cách chính sách tiền lương phải chuyển một cách triệt để khu vực sự nghiệp công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa là chuyển toàn bộ mà phải có điều kiện.
Cùng với đó, phải tạo ra sự đồng thuận rất cao trong CBCCVC về giảm biên chế, coi đây là sự sống còn của cải cách chính sách tiền lương, để họ hiểu rằng, đây là sự phân công lại lao động, có sự chia sẻ giữa cơ quan đơn vị với CBCCVC và giữa họ với nhau, để phát triển đất nước, để tạo sự tăng trưởng xã hội, tăng năng suất lao động.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
| Điểm chuẩn 17 trường quân đội năm nay ra sao? Các trường quân đội vừa công bố điểm chuẩn đại học năm 2022, trong đó Học viện Khoa học Quân sự có mức điểm chuẩn ... |
| Để trẻ sống tử tế, hạnh phúc mỗi ngày đến trường... Ngoài dạy kiến thức cho học trò, mong con mình giỏi chữ thì thầy cô, phụ huynh thiết nghĩ cần quan tâm hơn đến đời ... |
| GS. Huỳnh Văn Sơn: Mong các bạn trẻ sống tử tế, hướng đến cái mới để chinh phục chính mình “Hành trình đổi mới và sáng tạo cần sự chuyên nghiệp, cần quyết tâm làm người tử tế, cần thái độ chấp nhận sự thay ... |
| Mong ngành giáo dục 'chuyển mình' để hoàn thiện hơn Năm học mới, các thầy cô giáo luôn mong muốn được gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng của mình, để ngành giáo dục ngày ... |
| Giáo dục cần giúp trẻ 'định vị' và thấu hiểu chính mình Giáo dục cần tôn trọng sự khác biệt, giúp các em tự "định vị" được bản thân, trở thành người tử tế, bản lĩnh, thấu ... |