Nhỏ Bình thường Lớn

TS. Bùi Sỹ Lợi: 'Rút bảo hiểm xã hội một lần lợi thì ít mà thiệt hại thì lâu dài'

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, TS. Bùi Sỹ Lợi (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho rằng, nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đương nhiên họ sẽ ra khỏi hệ thống an sinh xã hội.
TS Bùi Sỹ Lợi
TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, sẽ có nhiều hệ lụy cho người lao động nếu rút bảo hiểm xã hội một lần. (Nguồn: VGP)

Theo nhiều chuyên gia, đề xuất cho phép rút 50% bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần giúp người dân vượt qua được khó khăn trước mắt, đảm bảo an sinh khi về hưu nhưng cần thời gian để người dân đồng thuận. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đó với lý do người lao động chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa, giá trị của BHXH, rằng đây là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân khi về già, dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp, nên rất cần thời gian để người dân đồng thuận và tự nguyện thực hiện vì lợi ích của chính mình.

Nếu người lao động quá khó khăn thì xin nhận một phần tối đa bằng 50% quỹ BHXH được tích lũy trong thời gian đã tham gia, phần còn lại để dành khi về già, trong thời gian còn lại chờ đến tuổi nghỉ hưu, có thể tiếp tục tham gia vào hệ thống BHXH để có mức lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí xã hội cao hơn, bảo đảm cuộc sống.

Do đó, cần phải tuyên truyền, giải thích để người lao động nhận thức đúng chính sách. Vấn đề cần lưu ý cho người lao động hiểu rõ về thiệt hại, đó là đóng thì nhiều, lấy ra thì ít, một năm đóng 2,64 tháng, nếu nhận BHXH một lần chỉ được tối đa 2 tháng, mất 0,64 tháng. Phải để mọi người có thời gian tính toán đâu là lợi ích tốt nhất để tự nguyện thực hiện.

Theo ông, việc rút BHXH một lần có những ưu điểm cũng như hạn chế gì?

Người lao động có thể nhận được một số tiền lớn để sử dụng cho nhu cầu chi tiêu cấp thiết, giải quyết được khó khăn trước mắt mà không cần phải vay mượn và lo lắng.

Tuy nhiên, tôi đã giải thích nhiều lần, rút BHXH một lần lợi thì ít mà thiệt hại thì lâu dài.

Thứ nhất, không được đảm bảo nguồn thu nhập hằng tháng khi về già, phải phụ thuộc vào con cháu, mất đi tự do, sự tự tin và sự an nhàn của cuộc sống nghỉ hưu.

Thứ hai, số tiền khi rút BHXH một lần thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH như tôi đã nêu trên.

Thứ ba, không được cấp BHYT miễn phí, không được hưởng chế độ miễn 100% tiền khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến.

Thứ tư, khi tử vong thì gia đình không được nhận tiền trợ cấp mai táng và trợ cấp hằng tháng.

Cuối cùng, nếu chọn rút BHXH một lần mà sau này nếu đi làm lại và có đóng BHXH thì khoảng thời gian đóng trước đó không được tính do đã hưởng BHXH 1 lần rồi.

Có thể nói, tiền của người lao động đóng góp được tích lũy và quản lý tập trung ở cấp quốc gia. Nguồn quỹ BHXH kết dư được đem đi đầu tư, tăng trưởng và tiền đó của người lao động vẫn tiếp tục tăng lên, trừ đi phần chi phí quản lý thôi. Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là "của để dành" quý giá của người lao động.

Nếu không nhận một lần thì người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong thời gian bảo lưu, nếu chẳng may qua đời thì gia đình được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất theo quy định bằng hoặc lớn hơn mức hưởng BHXH một lần. Theo tính toán, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần.

Nói như vậy, rút BHXH một lần sẽ ảnh hưởng thế nào đến an sinh xã hội, theo ông?

Nếu người lao động rút BHXH một lần, đương nhiên họ sẽ ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Nhà nước không giữ được lưới an sinh cho toàn dân, đồng nghĩa với người dân không còn được hưởng các chế độ chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước như lương hưu hay BHYT, chế độ tử tuất.

Quan trọng hơn là không thực hiện được quan điểm bao phủ BHXH toàn dân theo tinh thần NQ 28/TW của Trung ương.

Từ thực trạng đó, việc sửa lại quy định này trong Luật BHXH (sửa đổi) cần thiết ra sao để cân bằng giữa lợi ích người dân và lợi ích Nhà nước?

Quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật BHXH là để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp.

Thể chế quan điểm mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết 28/TW về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH bắt buộc toàn dân.

Quan điểm của Đảng theo tinh thần NQ 28/TW là phải bảo đảm cân bằng lợi ích của người dân và Nhà nước với vai trò Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện và có giải pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ; phấn đấu đến năm 2030, 60% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và đến năm 2045 toàn bộ người sau độ tuổi lao động được hưởng lương hưu, BHXH và trợ cấp hưu trí xã hội.

Ngoài ra, cần thêm những chính sách gì để hạn chế rút BHXH một lần, theo ông?

Trước hết, Nhà nước cần phải nỗ lực hơn để người lao động hiểu ý nghĩa, giá trị của BHXH và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho họ để giữ được lưới an sinh. Nếu không, cả xã hội sẽ phải cùng nhau trả giá như bài học từ Quyết định 176-HĐBT về thôi việc một lần.

Chắc hẳn cần thêm những gói vay ưu đãi, có chính sách tạo việc làm bền vững, tăng thu nhập để đảm bảo cuộc sống cho người lao động hay không?

Thực tế, rút một phần quỹ BHXH một lần, có thể vẫn không đủ nguồn lực để trang trải cuộc sống và tạo mở việc làm của gia đình người lao động. Do đó, rất cần những gói vay ưu đãi để hỗ trợ thêm cho họ.

Đồng thời, cần có chính sách tạo “sinh kế” giải quyết việc làm bền vững, hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sán xuất, chuyển đổi ngành. Hỗ trợ đào tạo lại nghề cho người lao động qua quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, thông qua vay vốn ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, tìm kiếm thị trường cho các hợp tác xã, hộ gia đình trung lưu để thu hút người lao động làm việc, tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, và trở lại tham gia hệ thống BHXH.

Xin cảm ơn ông!

GS. Trần Đại Nghĩa - người mang trong mình tình yêu vô bờ với khoa học

GS. Trần Đại Nghĩa - người mang trong mình tình yêu vô bờ với khoa học

Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là người mang trong mình tình yêu vô bờ với khoa học ...

Để dạy thật, học thật trong giáo dục không dừng ở lời kêu gọi

Để dạy thật, học thật trong giáo dục không dừng ở lời kêu gọi

Muốn dạy thật học thật, xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục cần bắt đầu từ việc thay đổi tư duy của nhà quản ...

GS. Nguyễn Lân Dũng: Người trẻ phải học không ngừng, có năng lực thích ứng trong 'cơn bão' công nghệ

GS. Nguyễn Lân Dũng: Người trẻ phải học không ngừng, có năng lực thích ứng trong 'cơn bão' công nghệ

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, trong thế giới VUCA, người trẻ cần phải học và cập nhật liên tục, tiến tới có một năng lực ...

Làm sao để trẻ luôn tìm thấy hạnh phúc?

Làm sao để trẻ luôn tìm thấy hạnh phúc?

Ngày quốc tế Hạnh phúc, làm sao để trẻ luôn tìm thấy sự lạc quan và hạnh phúc trong cuộc sống và cả chuyện học ...

Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Cần ‘biết đủ’ để đi tới hạnh phúc!

Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Cần ‘biết đủ’ để đi tới hạnh phúc!

GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bài học “biết đủ” để hạnh phúc ...