TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tăng lương cơ sở bắt đầu từ ngày 1/7/2024 nhằm cải thiện đời sống của công chức, viên chức, người lao động. (Ảnh: NVCC) |
Từ ngày 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ được tăng lương thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Cùng với đó, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng sẽ được tăng thêm 15%. Đây là các mức tăng cao nhất từ trước tới nay, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, góp phần quan trọng cải thiện đời sống người hưởng lương cũng như các đối tượng đang hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác gắn với lương cơ sở.
Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với chuyên gia an sinh xã hội, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội liên quan vấn đề này.
Có thể nói, lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay khi được áp dụng sẽ mang lại niềm vui cho hàng chục triệu người lao động, viên chức nói chung. Ông đánh như giá như thế nào về lần tăng lương cơ sở này?
Theo tôi, cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW là vấn đề toàn diện, liên quan trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và hàng triệu người thụ hưởng chính sách. Việc tăng lương là để nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, tạo động lực là để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo được sự đồng thuận xã hội.
Mức tăng lương cơ sở lần này cao nhất từ trước đến nay. Để thực hiện, Nhà nước đã phải tiết kiệm, huy động các nguồn thu hợp pháp và từ ngân sách địa phương, Trung ương. Hiện tại, chúng ta đã có được gần 700.000 tỷ đồng - nguồn lực để tăng lương cơ sở.
Mục tiêu của lần điều chỉnh lương lần này là bảo đảm chính sách tiền lương phản ánh đúng giá trị của sức lao động và thể hiện bằng giá cả trên thị trường, tiền lương của khu vực công phải tiệm cận với tiền lương của khu vực tư. Có thể khẳng định, tăng lương cơ sở lần này chính là bước đệm phù hợp cho lộ trình cải cách tiếp theo.
Như ông vừa đề cập, đây được xem là lần tăng lương cơ sở cao nhất từ trước đến nay, vừa cải thiện đời sống người lao động vừa tạo động lực nâng cao năng suất. Tuy nhiên, người lao động cũng lo lắng vì lương tăng, giá cũng tăng. Có vấn đề lớn nào cần quan tâm lúc này?
Đúng là giá cả sẽ “leo thang” khi lương tăng. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để chống việc nâng giá một cách tùy tiện. Tăng lương cơ sở là chính sách rất quan trọng, dứt khoát không được để cho giá tăng. Nếu không có những giải pháp tích cực để kiềm chế lạm phát thì thực chất cải cách, nâng lương không có nhiều ý nghĩa. Theo tôi, biện pháp tích cực nhất là dùng tăng trưởng, phát triển nền kinh tế để kiềm chế lạm phát.
Tăng lương là đầu tư cho phát triển, tạo động lực cho bộ máy của khu vực công lập. (Ảnh minh họa) |
Cách tính lương của chúng ta đã tiệm cận với cách tính lương của các quốc gia tiên tiến trên thế giới hay chưa? Ông có khuyến nghị giải pháp gì?
Lẽ ra, nước ta đã thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2020 nhưng do tác động của đại dịch Covid-19, cả đất nước phải gồng mình tập trung nguồn lực phòng, chống dịch. Chúng ta đã huy động đến 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp phòng tránh, khắc phục đại dịch Covid-19.
Nguyên tắc của cải cách tiền lương là tốc độ tăng tiền lương bao giờ cũng chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Nghĩa là, có làm, tăng năng suất, tăng trưởng, phúc lợi và phát triển lợi nhuận thì mới cải cách được tiền lương. Khi kinh tế phát triển, tăng trưởng thì mới thực hiện tăng lương.
Tăng lương là để bù giá để cho cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước không bị chịu tác động của tăng giá, đồng tiền mất giá. Do đó, mỗi lần tăng lương cơ sở, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu và các đối tượng xã hội đều được cải thiện, góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Thời gian qua, một bộ phận khu vực công chuyển sang khu vực tư là điều đáng suy ngẫm. Có thể khẳng định, đó là tình trạng "chảy máu chất xám" từ khu vực công sang khu vực tư. Nếu không khắc phục sẽ dẫn đến tình trạng đội ngũ công chức của chúng ta không đảm đương được nhiệm vụ đi đầu, định hướng và dẫn dắt đối với lực lượng lao động.
Chính vì vậy, việc tăng lương cơ sở lên 30% có ý nghĩa chính trị rất lớn, là động lực để tăng trưởng kinh tế. Từ đó, đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng được với sự gia tăng của giá cả sinh hoạt trên thị trường.
Tầm quan trọng của việc cải cách tiền lương dưới góc nhìn của ông?
Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển, thực tế nếu lương quá thấp khiến cán bộ, công chức phải làm nhiều việc để có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, lương thấp không đủ sống dẫn đến hệ lụy là cán bộ, công chức, viên chức thiếu động lực làm việc, cống hiến không hết mình vì tiền lương không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà lực lượng này đóng góp cho cơ quan.
Theo tôi, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất. Cần phải xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính ngang bằng với sức lao động.
Điều quan trọng là tạo ra động lực để giữ chân công chức của khu vực công, tạo động lực cho bộ máy của khu vực công lập. Từ đó, bảo đảm tiền lương đủ sống để cán bộ, công chức, viên chức không phải "chân trong chân ngoài", toàn tâm toàn ý thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công theo vị trí việc làm của các ngành, lĩnh vực.
Xin cảm ơn ông!