📞

TS. Cấn Văn Lực: Doanh nghiệp cần bám sát các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Đông - đơn vị 'mở đường' chính thức

Hoàng Nam 16:02 | 04/10/2021
Trao đổi với TG&VN, TS Cấn Văn Lực cho rằng, để kinh doanh hiệu quả tại Trung Đông, doanh nghiệp cần bám sát và trao đổi thường xuyên với các Cơ quan đại diện Việt Nam bởi đây là đơn vị “mở đường, đồng hành” chính thức và có trách nhiệm cao nhất.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại Hội thảo Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới, tháng 8/2021, tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Là chuyên gia kinh tế, ông nhận định thế nào về kết quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông thời gian qua?

Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông có mối quan hệ ngoại giao, chính trị tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hai bên tăng cường tìm hiểu, mở rộng thị trường và thúc đẩy giao thương, đầu tư.

Hợp tác giữa hai bên cũng trải rộng trên nhiều lĩnh vực, đã được Đảng và Nhà nước, cơ quan hữu quan cụ thể hóa thành các hiệp định hợp tác và được triển khai xuyên suốt nhiều năm qua, đặc biệt từ những năm cuối thập niên 1990 đến nay.

Các lĩnh vực thu hút được sự quan tâm, hợp tác giữa DN và cơ quan nhà nước hai bên là hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật, thương mại, vận chuyển hàng không, phát triển công nghiệp, dịch vụ chứng khoán, trao đổi hàng hóa; hợp tác lao động, dầu khí…

Cụ thể hơn, về hợp tác thương mại, hai bên đã gặt hái thành tựu gì, thưa ông?

Hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông được 2 bên quan tâm và không ngừng cải thiện, tăng cường. Các hội chợ, triển lãm, lễ hội bán hàng, hội nghị xúc tiến đầu tư… được tổ chức thường niên thu hút sự quan tâm ngày một lớn của các DN 2 bên.

Thậm chí, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã sáng tạo, chủ động trong tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá và thực hiện các hợp đồng trao đổi hàng hoá qua hình thức trực tuyến, các kênh thương mại điện tử, hay hội thảo kết nối đầu tư kết hợp trực tuyến và trực tiếp như chuỗi hội thảo do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức vừa qua.

Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Đông chủ yếu gồm: Chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc, máy móc thiết bị phụ tùng, kim loại thường, hoá chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sản phẩm hoá chất, cao su, ô tô, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện,… đáp ứng được nguồn cung cho đầu vào sản xuất chế biến, chế tạo của Việt Nam.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông chủ yếu gồm: Thủy hải sản, hạt điều, cà phê, giày dép, hạt tiêu, sản phẩm dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, điện thoại và linh kiện,... đáp ứng được nhu cầu nội địa của các nước Trung Đông cũng như giúp sản phẩm của DN Việt Nam tiếp cận sang thị trường châu Âu và châu Phi.

Hơn nữa, những sản phẩm xuất khẩu này cũng thuộc những lĩnh vực mà các DN Trung Đông quan tâm đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc thiết lập mối quan hệ thương mại lâu dài.

Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông khá cân bằng và ổn định qua các năm. Tính đến hết tháng 8/2021, Việt Nam xuất khẩu 5,22 tỷ USD hàng hoá sang khu vực Trung Đông và nhập khẩu 5,49 tỷ USD hàng hóa từ khu vực này; lần lượt đóng góp 2,45% và 2,5% vào kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam.

Trung Đông được coi là khu vực giàu có, nhiều tiềm lực phát triển. Trong những năm qua, đầu tư của Trung Đông sang Việt Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận nào?

Về hợp tác đầu tư, ngoài quan tâm đầu tư vào những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang khu vực này, các nhà đầu tư Trung Đông còn đầu tư vào các lĩnh vực như dầu khí, du lịch và kinh doanh khách sạn.

Đến hết tháng 8/2021, hiện có 173 dự án FDI của các DN Trung Đông còn hiệu lực tại Việt Nam với giá trị 1,38 tỷ USD, chiếm 0,34% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam; quy mô 8,02 triệu USD/dự án, tương đương quy mô trung bình của các dự án FDI tại Việt Nam (7,9 triệu USD/dự án) nhưng chưa thể so với top 10 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Tuy nhiên, sự tham gia của các DN Trung Đông đầu tư vào Việt Nam còn đến từ các hình thức góp vốn cổ phần, mua bán - sáp nhập,… thông qua bên thứ ba là các quỹ đầu tư, các DN đến từ Anh, Mỹ,… đặc biệt là các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, du lịch, dầu khí.

Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức Hội thảo Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông: Tiềm năng, cơ hội và cách tiếp cận mới, tháng 8/2021.

Có thể nói, dầu khí là một trong những "điểm sáng" trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông. Ông có thể chia sẻ thêm về lĩnh vực này?

Trong hợp tác đầu tư dầu khí, 2 bên đã sớm triển khai từ đầu những năm 2000, qua đó đã giúp Việt Nam nâng cao trình độ sản xuất, năng lực quản lý trong khai thác và kinh doanh dầu khí. Việt Nam có hợp tác dầu khí với hầu hết các nước Trung Đông, nhưng nổi bật nhất là với UAE, Saudi Arabia trong đầu tư khai thác, lọc hóa dầu - khí, nhập khẩu dầu.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hiện có 24 dự án đầu tư FDI của các nước Trung Đông vào lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 26 triệu USD.

Trong đó, các dự án lớn gồm: Hợp tác 3 bên giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) với công ty International Petroleum Investment (IPIC) của UAE và đối tác thứ ba, Dự án lọc dầu số 3 tại Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện đang hoàn thiện để đưa vào hoạt động chính thức, PV Gas và PV Oil hợp tác nhập khẩu khí hóa lỏng, dầu với Công ty dầu khí quốc gia của Tiểu vương quốc Abu Dhabi.

Vậy đầu tư của Việt Nam sang khu vực này thì sao, thưa ông?

Hiện chưa có các ghi nhận về các dự án đầu tư chính thức của Việt Nam sang khu vực Trung Đông, ngoại trừ dự án thăm dò dầu khí tại lô Danan (Iran) của PVN, với tổng vốn đầu tư là hơn 115 triệu USD.

Tuy vậy, dự án này cũng đang tạm dừng do gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Nói về hợp tác giữa hai bên, không thể không nhắc tới lĩnh vực lao động, bởi Trung Đông là một trong những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam. Ông nhận định gì về thành quả hợp tác này?

Thị trường Trung Đông là lựa chọn của nhiều lao động Việt Nam, chỉ xếp sau các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo Cục quản lý Lao động ngoài nước, hiện có khoảng 27.000 lao động Việt Nam ở các nước Trung Đông, tập trung ở các nước Saudi Arabia (20.000), UAE (5.000), Qatar (1.800), Kuwait (794),…

Lao động Việt Nam chủ yếu làm trong các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, thợ điện, mộc, đóng gói sản phẩm, chăm sóc sắc đẹp, giúp việc gia đình,…

Có thể nói, dù đã có nhiều cải thiện trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Đông, song kết quả hợp tác này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác của DN hai bên.

Như vậy có nghĩa là tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa hai bên còn rất lớn. Theo ông, đầu tư vào Việt Nam, DN Trung Đông được lợi gì?

Thực tế cho thấy, tiềm năng và cơ hội là rất lớn và cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian tới, nhất là khi các cơ hội đến từ cả 2 bên. Điều này càng có ý nghĩa hơn nữa khi cả 2 bên đều đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19.

Các cơ hội cho DN Trung Đông là: Việt Nam luôn chú trọng hợp tác trên nhiều lĩnh vực; là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu người tiêu dùng, thu nhập của người dân tăng khá nhanh cùng tốc độ phát triển kinh tế khá cao (dự báo 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2030).

Thêm vào đó, Việt Nam vừa là điểm đến vừa là “cánh cửa” mở ra các thị trường khác khi ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA đa phương như EVFTA, CPTPP, UVFTA và sắp tới là RCEP, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ngoài ra, Việt Nam coi trọng việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI chất lượng cao; Chính phủ cũng luôn cam kết cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Còn ở chiều ngược lại thì sao, thưa ông?

Làm ăn tại Trung Đông, các cơ hội đáng kể cho DN Việt Nam gồm: Nhiều quốc gia trong khu vực có trình độ phát triển kinh tế cao, cơ sở hạ tầng chất lượng, đồng bộ và hiện đại, ngang bằng, thậm chí vượt trội so với nhiều nền kinh tế phát triển, mức sống cao, nhu cầu lao động phổ thông từ nước ngoài lớn, được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và lao động việc làm cho Việt Nam.

Trung Đông là khu vực tiếp giáp châu Âu, các nước Nam Á, châu Phi và kết nối với các khu vực thông qua các tuyến đường bộ, đường biển quan trọng hàng đầu thế giới.

Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, các nước khu vực này chính là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông, châu Phi, châu Âu trong những năm tới; nhất là khi nhiều mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào đây sau đó tái xuất sang nước thứ 3.

Thống kê của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2020 cho thấy, 80% hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào UAE sau đó tái xuất sang nước khác.

Một số nước còn lại trong khu vực có trình độ phát triển thấp hơn và gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế lại có nhu cầu lớn về thu hút vốn đầu tư vào cải tạo cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, khai thác khoảng sản, xây dựng dân dụng,… vốn là thế mạnh của nhiều DN Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, DN Trung Đông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, cũng là lĩnh vực DN Việt quan tâm hợp tác và còn nhiều dư địa.

Vậy theo ông, đâu là thuận lợi đối với DN Việt khi đầu tư, kinh doanh tại khu vực này?

Thuận lợi trước nhất và lớn nhất đối với DN Việt Nam khi hoạt động đầu tư, kinh doanh thương mại tại khu vực Trung Đông chính là hai bên có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống.

Thêm vào đó, hàng hóa hai bên có tính chất bổ sung lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhau. Đây là yếu tố giúp DN đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong thời gian tới.

Ngoài ra, Việt Nam có nguồn nhân lực khá dồi dào, học hỏi nhanh, chịu khó trong khi nhu cầu nguồn nhân lực bổ sung cho các nền kinh tế khu vực Trung Đông còn lớn.

Thành phố Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE. (Nguồn: Gulf News)

Tiềm năng, cơ hội rõ ràng rất lớn, nhưng kết quả hợp tác, như ông nhận định, vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của 2 bên. Chắc hẳn khó khăn, thách thức ở đây cũng không phải là nhỏ?

Về khó khăn, theo phản ánh của DN 2 bên với một số cơ quan, tổ chức của Việt Nam như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các khó khăn đáng kể nhất là: Thông tin về môi trường kinh doanh, tập quán kinh doanh và hợp tác giữa 2 bên còn hạn chế, nhất là các thông tin về quy định pháp lý, về tiềm năng thị trường và cơ hội hợp tác.

Bên cạnh đó là sự khác biệt về văn hóa, tập quán tiêu dùng.

Trong quan hệ với các DN Trung Đông, các DN Việt còn gặp khó về việc thanh toán. Tại một số nước gặp khó khăn về kinh tế hoặc có thị trường tài chính chưa quá phát triển, các DN sở tại thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức giao hàng tại cảng đến (giá CIF) và không mở thư tín dụng (L/C) do chi phí cao.

Thêm vào đó, do chưa nắm rõ thông tin về thị trường Trung Đông, để tránh rủi ro, DN Việt Nam, thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế, khiến tăng giá hàng hóa, làm giảm tính cạnh tranh.

Ngoài ra, thương hiệu Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến; tình hình chính trị, an ninh của một số nước trong khu vực còn thiếu ổn định, an toàn cũng là khó khăn và rủi ro đáng kể đối với DN Việt Nam.

Là người hoạt động trong ngành tài chính, ngân hàng, lại luôn sát cánh cùng cộng đồng DN Việt Nam, ông có lời khuyên gì cho DN Việt Nam muốn đầu tư, xuất khẩu sang Trung Đông để nắm bắt cơ hội, hạn chế, hóa giải thách thức, gặt hái thành công?

Với tiềm lực, cơ hội và những khó khăn trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Đông, để đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại khu vực Trung Đông, theo tôi, các DN Việt Nam cần lưu ý một số điểm sau:

DN cần bám sát và trao đổi thường xuyên với các Cơ quan đại diện ngoại giao, Thương vụ tại Trung Đông bởi đây chính là đơn vị “mở đường, đồng hành” chính thức và đại diện cho Việt Nam, có trách nhiệm cao nhất để hỗ trợ hiệu quả cho các DN trong công tác tìm hiểu thị trường, nhu cầu và đầu mối, hỗ trợ trong xúc tiến đầu tư, thương mại;

Cà phê là một trong số những mặt hàng chủ yếu của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Đông. (Nguồn: Brandsvietnam)

Các DN cũng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về thị trường. Đặc biệt là phải xác định chính xác hơn nhu cầu của thị trường với các sản phẩm, dịch vụ mà DN có thể cung cấp, để từ đó xây dựng chiến lược sản xuất và xuất khẩu phù hợp;

Đồng thời, DN cần mạnh dạn, sáng tạo thay đổi phương thức quảng bá, xúc tiến đầu tư - thương mại hiệu quả hơn;

Tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến, các hội chợ, triển lãm tổ chức tại các nước trong khu vực (cả hình thức trực tiếp hay trực tuyến);

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và ngoại ngữ tốt, hiểu biết văn hóa Trung Đông để bổ sung cho thị trường khu vực;

Tăng cường kết nối, chia sẻ, hợp tác giữa các DN Việt Nam khi tham gia giao thương và đầu tư tại Trung Đông;

Thành lập hiệp hội DN, nhà đầu tư Việt Nam tại khu vực Trung Đông (tuỳ theo quy mô) để có thể tạo nên tiếng nói chung, hành động chung của DN Việt Nam, từ đó có thể tham vấn, đề xuất, khuyến nghị chính sách với Chính phủ và cơ quan chức năng 2 bên để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao thương.

Xin cảm ơn ông!