📞

TS. Nguyễn Duy Tâm: Đam mê tìm nguồn năng lượng mới

HOÀI AN 10:00 | 24/02/2020
TGVN. Hai lần về nước tham dự Diễn đàn Tri thức trẻ toàn cầu và xuất hiện nhiều ở các hội thảo, chương trình, TS. Nguyễn Duy Tâm – Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore đều dành trọn tâm huyết cho lĩnh vực anh đam mê nghiên cứu là năng lượng tái tạo.
TS. Nguyễn Duy Tâm.

Chàng tiến sĩ sinh năm 1990 luôn khiêm tốn thừa nhận, những nghiên cứu khoa học của anh chỉ là những thành công bước đầu trong giấc mơ chinh phục những nguồn năng lượng mới và bền vững...

Những dự án hy vọng

Học tập và nghiên cứu tại NTU, Nguyễn Duy Tâm may mắn có cơ hội được tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu các vật liệu và công nghệ phục vụ lưu trữ và chuyển đổi năng lượng tái tạo. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư quản lý, anh bắt đầu tham gia và chính thức bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu các công nghệ vật liệu mới nhằm lưu trữ, chuyển đổi và sử dụng hiệu quả năng lượng.

Hiện tại, tiến sĩ trẻ quê Quảng Bình đang nghiên cứu thực hiện ba dự án chính: pin oxy – hóa khử vanadium, vật liệu xúc tác phản ứng tách nước và công nghệ cửa sổ thông minh. Tất cả đều hướng đến việc khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.

Tâm cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với năng lượng tái tạo là việc kiểm soát và ổn định hóa năng lượng tạo ra. Trong đó, việc lưu trữ theo phương thức điện hóa (chủ yếu là pin) được xem là một trong các phương thức hiệu quả nhất. Pin oxy - hóa khử vanadium cho phép nâng cấp độc lập dung lượng lưu trữ với tuổi thọ lên đến 25 năm, vận hành yên tĩnh và an toàn, không có nguy cơ cháy nổ, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, khả năng tái sử dụng các thành phần chính của pin gần như là hoàn toàn.

Trong bốn năm nghiên cứu, anh đã tìm cách tối ưu hóa thành công độ ổn định nhiệt cho pin oxy hóa - khử vanadium, phục vụ lưu trữ năng lượng quy mô lớn. Bên cạnh đó, một dự án ý nghĩa khác đang được anh thực hiện là cửa sổ thông minh. Đây là một công nghệ giúp điều khiển lượng bức xạ nhiệt truyền qua các cửa sổ kính ở các cao ốc, văn phòng hiện đại nhằm giảm thiểu năng lượng cần để điều hòa nhiệt độ cũng như chiếu sáng trong phòng.

Ngoài ra, anh cũng tham gia hỗ trợ các nghiên cứu khác về vật liệu bán dẫn cấu trúc nano, quang xúc tác…

Anh Nguyễn Duy Tâm làm việc tại phòng thí nghiệm.

Hiện thực hóa câu chuyện ở Việt Nam

Khi bàn về vấn đề năng lượng, TS. Nguyễn Duy Tâm cũng cho biết dự báo nhu cầu sử dụng năng lượng ở Việt Nam trung bình mỗi năm tăng 10%. Xác định nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, nhưng anh cho rằng cũng không nên quá lạc quan vào tiềm năng của năng lượng tái tạo ở nước ta vì việc khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo luôn có tính hai mặt.

Cụ thể, việc khai thác năng lượng thủy điện sẽ gây tác động tới thiên nhiên như thay đổi dòng chảy, thay đổi chất lượng nguồn nước sinh hoạt, hay quá trình khai thác năng lượng mặt trời phải phụ thuộc vào thời tiết và có thể gây ra ô nhiễm nếu không cẩn thận. Bởi vậy, theo anh, các giải pháp để khai thác và sử dụng có hiệu quả năng lượng tái tạo là kết hợp sử dụng các nguồn năng lượng với nhau như pin mặt trời nối với thủy điện, năng lượng gió với thủy điện, lưu trữ và chuyển đổi năng lượng tái tạo thành nhiên liệu.

Thời gian tới, Duy Tâm sẽ tiếp tục hoàn tất dự án nghiên cứu tại NTU. Sau đó, anh dự định tìm kiếm một môi trường nghiên cứu mới và mong muốn được tham gia thêm vào nhiều đề tài nghiên cứu khác để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Anh cũng dành thời gian hỗ trợ các dự án nghiên cứu trong nước mà anh đang nhận làm cố vấn, cả về khoa học, công nghệ lẫn giáo dục, hướng nghiệp.

“Tôi hiểu rằng những gì mình đã đạt được vẫn còn vô cùng nhỏ bé so với thế giới bên ngoài. Còn quá nhiều tri thức, quá nhiều khám phá cần phải học hỏi, trau dồi và nghiên cứu thêm để cải thiện tầm hiểu biết của bản thân. Trong tương lai, tôi sẽ trở về làm việc trong nước để được trực tiếp truyền tải và ứng dụng những gì đã học được ở môi trường quốc tế”, anh chia sẻ.

TS. Nguyễn Duy Tâm từng tốt nghiệp khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Sau khi nhận học bổng nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Nanyang, Nguyễn Duy Tâm sang Singapore, học tập và nghiên cứu từ năm 2013 tới nay.

Hiện Nguyễn Duy Tâm đang tiếp tục làm Nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu của Đại học Công nghệ Nanyang. Anh có 20 bài báo quốc tế, một sáng chế đã được bảo hộ, nhiều bài trình bày tại các hội nghị khoa học quốc tế và được tuyển vào dự án trên thuộc Quỹ nghiên cứu quốc gia Singapore. Năm 2019, anh nhận Giải thưởng bài thuyết trình xuất sắc nhất tại Hội nghị Materials Oceania, Melbourne, Australia.