📞

TS. Nguyễn Quốc Việt: Kinh tế sẽ tăng trưởng ấn tượng trở lại nếu Covid-19 được khống chế

Khánh Ly 08:00 | 28/12/2021
Trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tin tưởng rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế ấn tượng của những năm 2018-2019 (6,5-7%) sẽ quay trở lại nếu đại dịch Covid-19 thực sự được khống chế.
TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định, nếu Covid-19 được khống chế, kinh tế sẽ tăng trưởng ấn tượng trở lại. (Ảnh: NVCC)

Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam tháng cuối năm 2021 và triển vọng phục hồi kinh tế năm 2022?

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 càn quét Việt Nam từ tháng 4/2021, để lại một số vấn đề trong nền kinh tế. Cụ thể như:

Thứ nhất, một số ngành còn khá bấp bênh (du lịch, dịch vụ, hàng không) và chỉ số dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ mặc dù có khởi sắc nhưng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn hẳn so với 2019. Đây là dấu hiệu cho thấy sức cầu trong nước còn rất thấp.

Thứ hai, nguy cơ lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và nguy cơ bong bóng tài sản.

Hai yếu tố trên dẫn đến nguy cơ các nhà kinh tế và chính sách đề cập khả năng đình lạm (nền kinh tế đình trệ nhưng lạm phát tăng) trong năm 2022.

Thứ ba, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn có xu hướng tăng.

Dù vậy, nền kinh tế vẫn có một số điểm sáng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 đã phục hồi mạnh mẽ và vượt so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu vẫn là ngôi sao sáng, với kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo đạt mốc 600 tỷ USD.

Tính đến hết tháng 11/2021, các dự báo của các tổ chức quốc tế, chuyên gia về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 ở mức 2,5-3%.

Từ năm 2015 đến nay, nền kinh tế Việt Nam có động lực đến từ các cải cách nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh và hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới. Vì vậy, tôi tin rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế ấn tượng của những năm 2018-2019 (6,5-7%) sẽ quay trở lại nếu đại dịch Covid-19 thực sự được khống chế.

Thời gian tới, khu vực sản xuất và lắp ráp (điện tử, điện thoại, máy tính) vẫn đóng vai trò dẫn dắt khu vực FDI và là điểm sáng xuất khẩu. Tuy nhiên, các xung lực mới sẽ đến ngành dịch vụ (du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái); sản xuất chế biến và xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản.

Ngoài ra, nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho tăng trưởng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành khác.

Theo ông, triển vọng năm 2022 nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những thách thức và cơ hội nào?

Về thách thức, thứ nhất, đại dịch Covid-19 chưa thực sự được kiểm soát trên thế giới. Bên cạnh đó, biến thế Omicron còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng của Việt Nam, điển hình là khu vực FDI và hoạt động xuất khẩu.

Thứ hai, thách thức từ chuyển đổi mô hình kinh tế hậu Covid-19 như: Chuyển đổi số, nền kinh tế chia sẻ.

Thứ ba, thách thức từ các quy tắc sản xuất, kinh doanh và áp lực canh tranh toàn cầu có thể khiến các lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Đơn cử như hiện tại, khó khăn đến từ các hàng rào kỹ thuật và quy định xuất, nhập khẩu mới đến từ Trung Quốc - một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Dù vậy, Covid-19 cũng mang đến cho nền kinh tế Việt Nam không ít những cơ hội. Đơn cử như cơ hội mới từ nền tảng chuyển đổi số (làm việc từ xa), chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số ở ngành dịch vụ.

Thêm vào đó, Việt Nam có cơ hội chuyển dịch chuỗi sản xuất và cung ứng gắn với nỗ lực hội nhập của đất nước. Sản xuất và nhu cầu tiêu dùng (cả về hàng hóa và dịch vụ) cũng được phục hồi.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021 đã đảm bảo tính kịp thời, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. (Nguồn: Thanh niên)

Để hiện thức hoá các thuận lợi và giúp người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, ông đánh giá thế nào về thể chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong năm 2021 và thời gian tới?

Theo quan điểm của tôi, các gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021 đã đảm bảo tính kịp thời. Các gói hỗ trợ góp phần giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, sản xuất hàng hóa và hỗ trợ lao động nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn

So với năm 2020, các gói hỗ trợ đã bình đẳng, phổ cập hơn. Ví dụ đối tượng hỗ trợ không chỉ nhắm vào các đối tượng truyền thống như năm 2020 mà tập trung vào người lao động mất việc làm, lao động tự do. Không chỉ thế, nhóm lao động đang duy trì công việc cũng nhận được một phần hỗ trợ.

Đối với doanh nghiệp, không chỉ các doanh nghiệp khó khăn, dừng hoạt động, nhóm doanh nghiệp duy trì sản xuất và nhóm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được nhận hỗ trợ (theo Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ).

Đa số doanh nghiệp đều chưa thể vực dậy sau cú sốc do Covid-19, do đó, các doanh nghiệp vẫn cần những gói hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2022.

Theo tôi, các gói hỗ trợ mới cần lưu ý những điểm sau:

Thứ nhất, mỗi nhiệm vụ trong các gói hỗ trợ cần được phân cho một cấp duy nhất thực hiện, tránh chồng chéo các Bộ/ban ngành và cần có đầu mối tại các địa phương.

Thứ hai, cần tập trung bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chống lại các rủi ro. Doanh nghiệp cần phủ vaccine, có cách điều hành linh hoạt hơn và đề phòng rủi ro từ các yếu tố quốc tế.

Thứ ba, tập trung vào các nguyên tắc chung và cơ chế tự động điều chỉnh, linh hoạt cho các chủ thể (nhất là doanh nghiệp, chính quyền cấp cơ sở). Song song với đó, cần có cơ chế đánh giá rủi ro và chính sách, điều hành thông minh.

Thứ tư, cần có biện pháp phòng ngừa các nguy cơ trục lợi chính sách.

Xin cảm ơn ông!