📞

TS. Nguyễn Quốc Việt: Xuất khẩu khối FDI góp phần ‘đảo chiều’ tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Linh Chi 09:27 | 12/10/2021
Trao đổi với TG&VN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, trong ngắn hạn, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục đến từ xuất khẩu, nhất là xuất khẩu của khối FDI.

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR). (Ảnh: NVCC)

Vẫn có những điểm sáng

Tổng cục Thống kê mới đây công bố, tăng trưởng kinh tế quý III/2021 của Việt Nam âm 6,17%, khiến GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 1,42%. Dù nền kinh tế đã chịu tổn thương vì Covid-19, GDP quý III/2021 giảm sâu nhất và chưa từng có trong lịch sử nhưng kết quả này cũng được Tổng cục Thống kê đánh giá là “thành công lớn” trong bối cảnh hiện nay.

Nhìn vào con số thống kê có thể thấy, tính ổn định các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế vẫn được đảm bảo, với những điểm sáng. GDP của quý II/2021 có mức tăng trưởng âm, nhưng tính trung bình từ đầu năm tới nay thì nền kinh tế vẫn tăng trưởng, do quý I và quý II có tốc độ tăng trưởng tương đối khá.

Trong tháng 9/2021, mặc dù đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam xuất siêu trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27 tỷ USD, nhập khẩu đạt 26,5 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại đã quay trở lại xuất siêu với giá trị 500 triệu USD. Đây là tín hiệu tốt cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế. Điều này bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Về đầu tư, TS. Nguyễn Quốc Việt cho hay, điều thú vị là thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong quý III/2021 so với năm 2020 vẫn tương đương, giảm không đáng kể. Đó là một điểm rất tích cực và đặc biệt. Xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá, tăng 18%.

Báo cáo kinh tế Thường niên 2021 của VEPR cũng cho rằng, tương lai kinh tế thế giới trong năm 2021 đã bớt bất định hơn nhờ kinh nghiệm ứng phó với bệnh dịch và việc triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 ở nhiều nước lớn trên thế giới.

Trong nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam cũng đã lấy lại được đà tăng trưởng của các năm trước và cũng vẫn được đánh giá khá tích cực bởi các tổ chức trong, ngoài nước.

TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 như một phép thử khắc nghiệt nhất đối với nhân loại kể từ Thế chiến II. Trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, thì dưới sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt thực hiện “mục tiêu kép”, với những nỗ lực của Chính phủ cùng sự đồng thuận của nhân dân, Việt Nam đã giữ được môi trường ổn định, phát triển kinh tế.

Điều đặc biệt quan trọng là hệ thống an sinh xã hội của Việt nam đã chứng minh được tính ưu việt, vượt qua thách thức và thể hiện sự chống chịu các cú sốc từ rủi ro dịch bệnh bên ngoài.

Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào các nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh, phát triển vaccine trong nước. (Nguồn: Sputnik)

Động lực tăng trưởng đến từ xuất khẩu

Sau nhiều tháng chống chọi với làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và biến thể Delta chiếm “thế thượng phong”, Chính phủ đã quyết định thay đổi hướng chống dịch.

TS. Nguyễn Quốc Việt nhận thấy, tình thế mới đặt ra bài toán mới, buộc chúng ta phải thay đổi chiến lược, thích nghi an toàn với dịch bệnh. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế, sống chung an toàn với Covid-19 được xem như con đường tất yếu, tạo cơ hội “đảo chiều” tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ 6,7% xuống còn 3,8%. Tuy nhiên, ADB vẫn lạc quan về triển vọng trung và dài hạn của kinh tế Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, cơ sở của sự lạc quan này dựa trên sự phục hồi của cầu nội địa, với sức tiêu thụ của thị trường trên 97 triệu dân; môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động. Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô và tầm vóc lớn. Song song với đó, Việt Nam cũng đang mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới.

Trong dài hạn, để phục hồi sau dịch bệnh và phục hồi đà tăng trưởng, Việt Nam cần có chiến lược nhằm tái định vị nền kinh tế trên cả phương diện cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng lợi thế so sánh và tận dụng các FTA đã ký kết.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu có tính dẫn dắt kinh tế thế giới đã phục hồi sau đại dịch, đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu bùng phát sau hơn một năm bị thu hẹp.

Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nâng cao năng lực và tạo sự đồng bộ hơn về cơ sở hạ tầng của nền kinh tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam, bằng chứng do đại dịch, dòng vốn đầu tư nước ngoài của thế giới suy giảm trên 30%, nhưng vốn FDI đổ vào nước ta vẫn tăng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh, không thể phủ nhận, nền kinh tế Việt nam lại chịu rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021 phụ thuộc rất nhiều vào các nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh, phát triển vaccine trong nước, tận dụng các mối quan hệ chiến lược để tiến hành ngoại giao vaccine, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 nhanh và hiệu quả cho khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhóm hộ kinh doanh tại các thành phố lớn và trung tâm kinh tế trọng điểm.

Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, về ngắn hạn của năm 2021, động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đến từ xuất khẩu (nhất là xuất khẩu của khối FDI).

Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, mặc dù có chậm lại do tác động của đại dịch thì xuất khẩu của khu vực này vẫn đóng vai trò quan trọng bậc nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 và trong nhiều năm tới.

Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Nakajima Takeo từng nhận định: “Việt Nam là quốc gia nằm trong Top đầu của khu vực ASEAN được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư trong thời gian tới”.

TS. Nguyễn Quốc Việt đánh giá, đây là minh chứng cho những kết quả chống dịch của Việt Nam đang tạo niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh hoạt động sản xuất được duy trì, hạn chế người lao động mất việc, chuỗi cung ứng được đảm bảo.

Trong dài hạn, để phục hồi sau dịch bệnh và phục hồi đà tăng trưởng, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược nhằm tái định vị nền kinh tế trên cả phương diện cải thiện năng lực cạnh tranh, tận dụng lợi thế so sánh và tận dụng các FTA đã ký kết.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh cải thiện các hạn chế về môi trường kinh doanh và khắc phục các rào cản để nâng cao thứ hạng trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh địa phương của doanh nghiệp thông qua các trụ cột của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Để có thể thực sự nâng cao nội lực của nền kinh tế là cơ sở để tăng trưởng bền vững, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Thứ hai, Việt Nam cần tận dụng được thương mại và đầu tư để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai.

Để làm được điều này, cần thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của các FTA trong việc cải thiện lợi thế so sánh và giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tạo môi trường để các FTA phát huy hiện quả.