Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn các nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở Labuan Bajo, Indonesia, tháng 5/2023. Thủ tướng nhấn mạnh, tự chủ chiến lược là một trong “ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN”. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ngày càng nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp thiết phải theo đuổi tự chủ chiến lược (TCCL) như một phản ứng thiết yếu trước môi trường quốc tế ngày càng biến chuyển khó lường.
Điều này là do mức độ tự chủ cao hơn cho phép các quốc gia kiểm soát tốt hơn các quyết sách đối ngoại của mình, từ đó giảm thiểu rủi ro đến từ môi trường quốc tế đầy biến động. Đối với các quốc gia vừa và nhỏ, TCCL được cho là phản ứng phù hợp nhất trước những thách thức và bất ổn đang gia tăng, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thách thức của sự không chắc chắn về mặt chiến lược
Trong một thế giới lý tưởng, các nhà lãnh đạo sẽ có mọi thông tin thiết yếu để đưa ra những quyết định tốt nhất. Họ sẽ biết mỗi quốc gia mạnh đến mức nào, đồng minh và kẻ thù của họ là ai, cũng như sự cân bằng quyền lực chính trị giữa các phe phái khác nhau trong chính phủ mỗi nước.
Họ có thể dự đoán cách mọi người phản ứng với các quyết định và sự kiện lớn như đại dịch sẽ biến đổi bối cảnh chiến lược như thế nào. Với loại thông tin này, các nhà lãnh đạo có thể dễ dàng đưa ra những lựa chọn thận trọng mà không cần phải đoán xem điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
Tuy nhiên, trong thế giới thực, người lãnh đạo thường xuyên phải ra đưa ra các quyết sách mà không có đầy đủ thông tin. Họ thường xuyên phải đối mặt với các nguy cơ đến từ các sự kiện “thiên nga đen” - những sự kiện khó lường trước nhưng để lại hậu quả to lớn - chẳng hạn như xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra kể từ đầu năm 2022.
Các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác, đang ở trong môi trường ngày càng bất định và bất an. Trung Quốc vẫn mạnh song nền kinh tế nước này đang chậm lại với những hậu quả khó lường. Mỹ tuy liên tục bác bỏ việc cố gắng kiềm chế Trung Quốc, song rõ ràng đang xây dựng một mạng lưới các nhóm nhỏ để củng cố sự hiện diện kinh tế - chính trị - an ninh của mình trong khu vực.
Thêm vào đó là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mới như chiến tranh mạng và biến đổi khí hậu, khiến bối cảnh càng trở nên bất ổn hơn. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa, sự tê liệt của các thể chế đa phương cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu như thế này đã làm xói mòn các cơ chế hợp tác giải quyết vấn đề truyền thống.
Trong bối cảnh đó, khái niệm TCCL ngày càng trở nên quan trọng, mang lại cho các quốc gia một con đường để định hướng trong những vùng địa chính trị đầy biến động này một cách linh hoạt và tự chủ hơn.
Khái niệm cũ, giải pháp mới
Sự phổ biến của TCCL trong diễn ngôn chính sách ở châu Á là hiện tượng tương đối mới. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong nhiều bài phát biểu đã tái khẳng định quyết tâm theo đuổi TCCL của Ấn Độ, điều này đặc biệt rõ ràng trong cách tiếp cận ngoại giao của nước này đối với Mỹ.
Sau cuộc gặp giữa đại diện Trung Quốc và Philippines vào tháng 3/2023, có thông tin cho rằng cả hai bên “chia sẻ quan điểm”: Điều quan trọng là các nước trong khu vực phải duy trì TCCL và tăng cường đoàn kết và phối hợp”.
Thông điệp này được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng 4/2023. Và tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 ở Labuan Bajo, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh TCCL là một trong “ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN”.
Tuy nhiên, TCCL không còn là một khái niệm. Đối với châu Âu, TCCL ít nhất đã có từ cuối những năm 1980, khi Chiến tranh Lạnh rõ ràng sẽ kết thúc trong hòa bình. Nhiều người lo ngại rằng việc Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã sẽ làm mất đi chất keo gắn kết liên minh phương Tây.
Như cuộc tranh luận về đại chiến lược của Mỹ trong những năm 1990 cho thấy, đã có những cuộc thảo luận nghiêm túc về việc liệu Mỹ có nên tiếp tục bảo lãnh an ninh châu Âu hay không. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tranh luận về việc có nên theo đuổi TCCL hay không, theo quan điểm của họ, có nghĩa là phải sẵn sàng và có đủ năng lực để hành động mà không cần sự hỗ trợ của Mỹ.
Theo quan điểm của Ấn Độ, TCCL bắt nguồn từ Phong trào Không liên kết. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh và quá trình tự do hóa kinh tế vào những năm 1990 dưới thời Thủ tướng Narasimha Rao đánh dấu sự điều chỉnh lại khác, khi Ấn Độ tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc tế để giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ cường quốc nào. Do đó, các nhà tư tưởng hiện đại của Ấn Độ đã định nghĩa lại việc không liên kết là TCCL trong thời đại mà Ấn Độ tìm kiếm sự can dự sâu sắc hơn với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, mà không ảnh hưởng đến nguyên tắc không liên kết của nước này.
Do đó, cốt lõi của TCCL là khả năng thực hiện độc lập các chính sách một quốc gia đã lựa chọn tại bất kỳ thời điểm nào, bất chấp các lực cản từ bên ngoài. Trên thực tế, một quốc gia TCCL có sự tự do để theo đuổi bất kỳ chính sách nào mà họ cho là phù hợp với lợi ích quốc gia của mình, cho dù đó là biệt lập hay tham gia liên minh quân sự. Do đó, TCCL là một trạng thái lý tưởng mà nhiều quốc gia cố gắng đạt được để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, bởi vì nó cho phép họ giảm thiểu sự không chắc chắn, duy trì cảm giác kiểm soát và tránh những bất ngờ khi điều hướng chính trị quốc tế.
Đối với các quốc gia như Việt Nam, TCCL đòi hỏi sự đa dạng hóa về quan hệ đối tác kinh tế, công nghệ và an ninh để tránh sự lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào. Đầu tư hơn nữa vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và sản xuất công nghệ cao có thể nâng cao khả năng phục hồi trong nước, giảm thiểu rủi ro do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một con đường khác có thể là tăng cường hợp tác quốc phòng với nhiều đối tác để giảm thiểu rủi ro; ví dụ, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải với Nhật Bản và Ấn Độ trong khi tham gia các cuộc tập trận quân sự với các đối tác cùng chí hướng.
Đối phó với bất ổn trong tương lai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Liệu khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có đang rơi vào tình trạng bất ổn về mặt chiến lược hay không vẫn còn là vấn đề còn tranh luận, nhưng điều có vẻ rõ ràng là năm 2024 sự bất ổn đó có thể gia tăng đáng kể. Năm nay có thể là một năm bước ngoặt, đóng vai trò là “lò thử thách” cho những thực tế địa chính trị mới, với sự bất định ngày càng tăng xuất phát từ kết quả bầu cử, các điểm nóng trong khu vực và tốc độ tiến bộ công nghệ chóng mặt.
Trong bối cảnh đầy biến động này, việc theo đuổi quyền TCCL mang lại cho các quốc gia một cách để quản trị làn sóng bất ổn đang gia tăng. TCCL không có nghĩa là tự cung tự cấp hoặc cô lập và không nên đánh đồng với chủ nghĩa dân túy hoặc xu hướng chống toàn cầu hóa. TCCL là có khả năng đưa ra những lựa chọn có chủ quyền phù hợp với lợi ích của mình, bất chấp áp lực đối kháng.
Do đó, bằng cách áp dụng các chính sách để thúc đẩy tự chủ, các quốc gia có thể tạo ra một “vùng đệm” chống lại những cú sốc về sự thay đổi bầu cử ở những người chơi chủ chốt, sự bùng nổ quân sự ở các điểm nóng trong khu vực và sự thay đổi đột ngột của các công nghệ mới nổi.
Quan trọng hơn, đối với Việt Nam và các cường quốc tầm trung đang lên khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc theo đuổi TCCL nên được xem như hoạt động tập thể, chứ không phải là một trò chơi có tổng bằng không.
Khi các quốc gia này đạt được mức độ tự chủ cao hơn, họ có thể trao quyền cho nhau và các tổ chức khu vực như ASEAN để khẳng định vai trò trung tâm của mình một cách hiệu quả hơn. Do đó, nắm bắt TCCL không chỉ là sự thận trọng - đó là điều cần thiết cơ bản trong thời đại được đánh dấu bởi sự bất ổn ngày càng lớn.