📞

Tự chủ đại học: Không bàn nữa phải làm ngay!

17:38 | 20/10/2017
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không còn là lúc bàn có cần tự chủ đại học hay không mà phải làm với trách nhiệm cao, vì lợi ích của dân tộc, đất nước.

Hội nghị tổng kết Nghị quyết 77 của Chính phủ về thực hiện thí điểm tự chủ đại học (ĐH), sáng 20/10, đã ghi nhận nhiều ý kiến từ lãnh đạo các trường ĐH. Bên cạnh những kết quả đạt được, tự chủ ĐH vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiệu trưởng các trường ĐH phải thay đổi tư duy khi thực hiện tự chủ.

Việc phải làm

Nổi cộm là cơ sở pháp lý về tự chủ ĐH chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, không cụ thể hoá được nội dung tự chủ  ĐH.

Chưa qui định rõ ràng về căn cứ, nguyên tắc chung, điều kiện để giao quyền tự chủ, cũng như cụ thể hoá về quyền tự chủ đào tạo, học thuật, bộ máy quản lý và nhân sự, tài chính, mua sắm và đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng…

Các trường ĐH không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước, chưa rõ thẩm quyền được tự chủ. Điều này dẫn đến sự khác biệt trong nhận thức, cách tiếp cận và tư duy về bản chất, mức độ và các điều kiện thực hiện tự chủ ĐH giữa các trường và các cơ quan quản lý, gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.

Tự chủ ĐH chưa gắn liền với đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản trị khiến cho việc sử dụng nguồn lực kém hiệu quả và chất lượng đào tạo chưa được nâng cao.

Lắng nghe các ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhận thức tự chủ ĐH là thuộc tính cần thiết của ĐH ngày càng thấy rõ. Việc thực hiện tự chủ ĐH ở Việt Nam dù có tính tới đặc thù thì về cơ bản vẫn theo xu thế, quy luật phát triển của thế giới.

Vấn đề tự chủ ĐH ở Việt Nam được nhắc đến từ năm 2003 trong Điều lệ các trường ĐH. Nhưng việc thực hiện tự chủ đã được đặt ra và thực hiện một số bước ban đầu với sự ra đời của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TPHCM. Và phải đến năm 2014 tự chủ ĐH mới được thực hiện thí điểm.

Về những khó khăn trong thực hiện tự chủ ĐH, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề nhận thức, trong đó có nhiều điểm liên quan đến lợi ích, trách nhiệm.

Thực trạng đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học đặt ra yêu cầu phải thay đổi. Những khảo sát của các tổ chức quốc tế cho thấy hoạt động đào tạo nhân lực của Việt Nam ở trình độ cao thì chất lượng lại càng kém. Cùng với đó, xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam trên thế giới rất thấp. Số bài báo, nghiên cứu khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế còn ít. Chất lượng đào tạo không tốt, sinh viên ra trường làm việc không tốt, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

“Đây không còn là lúc bàn có cần tự chủ hay không mà phải làm với trách nhiệm rất cao của các bộ, đặc biệt của các trường đại học. Chúng ta phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Đất nước chỉ có thể phát triển nhanh hơn, bền vững hơn khi có nguồn nhân lực chất lượng cao”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu.

Trường ĐH không phải là một vụ, một trung tâm

Nói đến các cơ chế, chính sách liên quan đến các trường ĐH, Phó Thủ tướng dùng hình ảnh “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc”.

Nấc đầu tiên là trường không được tự chủ chút nào, nhà nước bao cấp hết thì khóa rất chặt. Nấc thứ hai cho trường tự chủ một phần chi thường xuyên, khóa sẽ mở ra thêm một chút. Nấc thứ ba là trường tự chủ toàn bộ chi thường xuyên thì nới ra chút nữa. Phải đợi đến khi tự chủ toàn bộ, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên thì "khoá" mới nới hết ra.

Còn 2 chìa là của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản, các bộ, các tỉnh.

Để “tháo khoá”, Phó Thủ tướng cho rằng cần hiểu đúng về tự chủ là tự quản, tự trị. Tự chủ trước hết là về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu. Bỏ can thiệp hàng ngày, có tính hành chính, áp đặt vào trong nội bộ các trường ĐH. Từ đó xác định các quyền về bộ máy, nhân sự, bao gồm cả thành lập, bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ đãi ngộ.

Liên hệ đến thực tế nhiều trường ĐH tiên tiến trên thế giới, có kinh phí từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn tự chủ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tự chủ tài chính là được tự chủ về thu, chi theo quy định pháp luật.

Nguồn ngân sách nhà nước trước đây cấp cho các trường ĐH theo đầu vào, tính số biên chế, hay tính số chỉ tiêu đăng ký, không phụ thuộc vào chất lượng đầu ra. Giờ nguồn ngân sách nhà nước phải theo giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo và căn cứ vào chất lượng đầu ra.

Vẫn còn ngân sách nhà nước nhưng đổi mới cách cấp, sử dụng ngân sách. Đồng thời bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH ở chất lượng cao cho tất cả mọi người, trong đó lưu ý các đối tượng chính sách. Mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục ĐH góp phần có tính quyết định vào chất lượng nhân lực trình độ cao.

“Không nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Bị thua thiệt so với các trường ĐH khác, ĐH nước ngoài. Gây lãng phí cho xã hội, người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để tạo điều kiện cho các trường tự chủ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tháo gỡ tối đa, bỏ các quy định hành chính, cứng nhắc như tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tỷ lệ giảng viên cơ hữu vốn để ngăn chặn tiêu cực những trường yếu kém nhưng vô hình trung lại kìm hãm các trường đã tự chủ tốt.

Các cơ quan chủ quản phải thay đổi quan niệm lâu nay coi nhà trường như một vụ, một trung tâm của mình mà quên mất đây là một trường ĐH. Hội nghị cần làm rõ những bất cập giữa mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường đại học từ bộ máy tổ chức đến cơ chế thu, chi.

Thay đổi tư duy của các hiệu trưởng

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các hiệu trưởng trong thực hiện tự chủ.

“Tinh thần tự chủ đại học nói từ đầu đến giờ mới chỉ là xoá bỏ những can thiệp hành chính không cần thiết của cơ quan chủ quản, Bộ GD&ĐT vào hoạt động nhà trường. Nhưng tự chủ phải đi xuống từng trường ĐH, đến tận khoa, bộ môn, giảng viên một cách xuyên suốt”.

Theo Phó Thủ tướng, lãnh đạo các trường ĐH, trực tiếp nhất từ các hiệu trưởng phải thay đổi tư duy trong thực hiện tự chủ, đơn cử như còn những băn khoăn, e ngại khi thành lập Hội đồng trường.

“Luật đã có quy định nhưng Hội đồng trường phần lớn chưa lập, hoặc lập ra rồi nhưng chưa đúng là cơ quan quyền lực thì không được. Hội đồng trường phải có quyền quyết định tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính. Có ý kiến lo lắng về sự chồng chéo trong phối hợp giữa Hội đồng trường với Đảng ủy trường khi thực hiện công tác nhân sự, lãnh đạo, chỉ đạo. Thực tế quyết định về nhân sự luôn phải có sự xem xét, cho ý kiến của Đảng ủy khi tiến hành quy trình bổ nhiệm theo quy chế hoạt động của trường”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Điểm rất quan trọng được Phó Thủ tướng đề cập đến là yêu cầu cấp thiết phải có một bộ quy tắc ứng xử giống như “bộ luật” của mỗi trường ĐH. Bộ quy tắc này cần cụ thể, chi tiết nhất có thể về tất cả các mặt như quy trình tuyển người, phân bổ thu nhập, đánh giá thi đua, khen thưởng… “Bộ quy tắc này được xây dựng, thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường, Hội đồng trường và là căn cứ để thực hiện giám sát nội bộ, giải trình trách nhiệm với xã hội”.

Bên cạnh đó, các trường tự chủ cần có cơ chế, lập các quỹ học bổng, hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận ĐH cho đối tượng chính sách.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng lưu ý là cần đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng các trường ĐH. Tự chủ phải đi với giải trình trách nhiệm với xã hội, để sao cho trường ĐH nơi thể hiện một môi trường làm việc sáng tạo, khoa học, văn minh. Là thiết chế của dân tộc, đất nước này, và nếu vươn lên đẳng cấp, thì đó sẽ là của thế giới.

 “Việc thực hiện thí điểm tự chủ ĐH do lúc đầu còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng qua tổng kết chúng ta thấy rằng cần làm tiếp. Bộ GD&ĐT cần tiếp thu, tổng kết các ý kiến để báo cáo Chính phủ để cho phép các trường tiếp tục thực hiện tự chủ và lan toả tinh thần này để tất cả các trường ĐH đều phải tự chủ theo đúng nghĩa. Chúng ta buộc phải làm mạnh mẽ hơn.

Các trường ĐH của Việt Nam không thực hiện tự chủ, không thành các trường mạnh thì nhân lực chất lượng cao sẽ không như mong muốn. Đây là trách nhiệm vì đất nước”, Phó Thủ tướng nói.