Các sản phẩm sẽ xuất hiện dưới dạng danh mục mua sắm để người xem YouTube thoải mái lựa chọn. (Nguồn: Dân trí) |
Từ mục đích giải trí đa phương tiện đơn thuần, hàng tỷ video trên YouTube sắp biến thành một danh mục sản phẩm, nơi người xem có thể xem qua, nhấp vào và mua trực tiếp.
Theo Bloomberg, nền tảng video lớn nhất thế giới đang có những bước chuyển mạnh mẽ, khi yêu cầu các người sáng tạo nội dung gắn thẻ sản phẩm xuất hiện trong clip của họ.
Từ đó, dữ liệu sẽ được liên kết với các công cụ phân tích và mua sắm từ Google, và gián tiếp biến YouTube thành một danh mục lớn các mặt hàng mà người xem có thể xem qua, nhấp vào và mua trực tiếp.
Trên thực tế, mô hình này từ lâu đã được áp dụng bởi mạng xã hội Douyin (TikTok) tại thị trường Trung Quốc, và cho thấy hiệu quả vô cùng lớn trong việc marketing sản phẩm từ các doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ.
Các sản phẩm sẽ xuất hiện dưới dạng danh mục mua sắm để người xem YouTube thoải mái lựa chọn.
Dưới phương diện người dùng, mô hình này cũng có lợi vì chúng giúp họ tiếp cận dễ hơn với các sản phẩm mong muốn, thay vì phải bỏ thời gian tìm kiếm ở một công cụ thứ 3, hay những nguồn kém uy tín.
Hiện vẫn chưa rõ YouTube sẽ tạo ra doanh thu từ những lần bán hàng này như thế nào. Tuy nhiên, dịch vụ đã bắt đầu được cung cấp cho những người sáng tạo đăng ký và YouTube lấy 30% thuế từ phí đăng ký đó.
Người phát ngôn của YouTube xác nhận công ty đang thử nghiệm các tính năng này với một số kênh video giới hạn. "Người sáng tạo sẽ có quyền kiểm soát các sản phẩm được trưng bày", người này mô tả.
Về cơ bản, Google là một công ty quảng cáo và phụ thuộc rất nhiều vào các loại hình dịch vụ quảng cáo, bởi vậy việc tận dụng nền tảng chia sẻ video lớn nhất của mình nhằm thu về lợi nhuận nhiều hơn là một không sớm thì muộn cũng sẽ phải xảy ra.
Loại hình mua sắm qua video từng được TikTok áp dụng trong nhiều năm, và tỏ ra rất thành công tại thị trường Trung Quốc.
Bloomberg đánh giá sự thay đổi này có khả năng biến YouTube từ một gã khổng lồ quảng cáo thành một ứng cử viên thương mại điện tử tiềm năng như Amazon và Alibaba.
Trước đó, công ty "mẹ" Alphabet của Google đã nhiều lần tham gia lĩnh vực thương mại trực tuyến, nhưng chỉ thu về thành công hạn chế. Thay vào đó, họ chủ yếu bán các quảng cáo đưa người xem đến các trang thương mại điện tử khác.